Sáng 13/1, trạm thu phí Sông Phan (quốc lộ 1, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải xả trạm vì tài xế dùng tiền lẻ để phản đối.
Chuẩn bị 100 đồng vẫn 'thất thủ'
Từ khoảng 9h, nhiều tài xế khi qua trạm thu phí Sông Phan đã dùng tiền lẻ mua vé để phản đối. Những tài xế này không đồng ý với mức giảm giá mà Bộ Giao thông Vận Tải ban hành cho trạm này vào ngày 9/1.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm thu phí Sông Phan gây kẹt xe kéo dài. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
“Chúng tôi yêu cầu phải miễn phí cho những xe không kinh doanh và giảm 50% cho những xe còn lại của những người dân xung quanh trạm”, một tài xế nói.
Mặc dù trạm thu phí Sông Phan đã chuẩn bị 100 đồng để đối phó với tài xế nhưng với lưu lượng xe qua trạm quá đông, trong vòng 1 giờ BOT Sông Phan phải xả trạm 2 lần.
Giảm 50% giá vé cho xe không kinh doanh gần trạm
Ngày 6/1, BOT Sông Phan đã phải xả trạm khi các tài xế phản đối việc thu phí tại đây. Tài xế cho rằng chủ đầu tư chỉ sửa chữa quốc lộ 1 và những phương tiện xung quanh trạm phải mua vé toàn tuyến khi qua trạm là không hợp lý.
BOT Sông Phan phải xả trạm 2 lần trong vòng 1 giờ vào sáng 13/1. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
UBND tỉnh Bình Thuận đã 3 lần gửi kiến nghị đến Tổng Cục đường bộ Việt Nam, yêu cầu giảm phí cho những phương tiện xung quanh trạm. Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thuộc Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng (chủ đầu tư) cũng đã có văn bản xin giảm giá vé.
Ngày 9/1, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đồng ý giảm 50% giá vé cho các chủ phương tiện có hộ khẩu xã Hàm Minh và Hàm Cường (trong bán kính 5 km quanh trạm) không kinh doanh. Đối với những phương tiện kinh doanh giảm 40%, riêng xe buýt được miễn phí.
Trước đó, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương giảm giá vé qua trạm cho người dân lân cận BOT Sông Phan. Cụ thể, các phương tiện không kinh doanh vận tải của người dân lân cận BOT Sông Phan trong bán kính 5 km sẽ được giảm 50% giá vé qua trạm, những loại xe khác giảm 40%.
Vị trí đặt trạm thu phí Sông Phan trên quốc lộ 1. Ảnh: Google Maps. |