Trước đó ngày 24/7, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia sau quá trình điều tra chính thức. Theo đó, các sản phẩm bột ngọt bị áp dụng mức thuế là 6,385 triệu đồng/tấn.
Bộ Công Thương đã quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc số trường hợp cụ thể.
Ví dụ: Hàng hóa trong nước không sản xuất được. Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được. Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước...
Các sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia bị áp thuế 6,385 triệu đồng/tấn. Ảnh: Cục Phòng vệ thương mại. |
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá (vụ việc AD09) bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 14 và Phụ lục III Thông tư 37/2019/TT-BCT.
Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 11/9.
Theo Bộ Công Thương, do thuế tự vệ đối với sản phẩm bột ngọt của Việt Nam đã hết hạn từ ngày 25/3, nên việc áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức 6,385 triệu đồng/tấn là phù hợp với diễn biến thị trường, góp phần giảm thiểu tác động đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất bột ngọt trong nước từ lượng hàng nhập khẩu bán phá giá.
Biện pháp chống bán phá giá với bột ngọt nhập từ Trung Quốc, Indonesia sẽ có hiệu lực trong 5 năm tới.
Hiện sản phẩm bột ngọt từ Trung Quốc và Indonesia cũng đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nên những nhà sản xuất này đang tìm kiếm thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của IHS Markit, trong năm 2019 Việt Nam là thị trường xuất khẩu bột ngọt lớn nhất của Trung Quốc (chiếm khoảng 17,5%) và lớn thứ 4 của Indonesia.