Mới đây, phát biểu tại một cuộc họp ở Lai Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – ông Trần Bắc Hà cho rằng tỉnh này nên trồng 2 loại cây chủ lực là cây dược liệu và chè.
“Theo ý kiến của cá nhân tôi, cây mắc ca và cây cao su không hiệu quả. Đặc biệt, tôi đề nghị Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn xem xét lại chương trình trồng cây cao su”, ông Trần Bắc Hà khẳng định.
Ông phân tích, phong trào khoảng hơn 2.000 ha cao su cho vùng Tây Bắc đang triển khai. Song trên thực tế, cách đây 5 năm, giá cao su xuất bán khoảng 5.200 USD/tấn. Giá bán lập đáy vào đầu năm 2016, chỉ khoảng 900 USD/tấn. Trong khi đó, giá thành 1 tấn mủ cao su vùng Tây Bắc khoảng 1.600 USD.
Cây cao su có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Ảnh: HA. |
Giá ở Tây Nguyên, Lào hay Campuchia cũng chỉ khoảng 1.350 USD/tấn. Hiện giá trên thị trường ở ngưỡng 1.400 USD/tấn. Theo tính toán của ông, ít nhất phải 5 năm nữa giá thành mới có độ chênh lệch khoảng 20% so với hiện tại.
Với cây mắc ca, ông Hà cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp xem xét lại kẻo “bị lừa”. Ông cho hay, Trung Quốc hiện nay trồng mắc ca rất nhiều và đang không hiệu quả, thậm chí đang tổ chức bán tháo sang Việt Nam.
“Do vậy, ta phải hết sức cảnh giác. Rất cảm ơn Bộ Nông nghiệp quy hoạch thí điểm chỉ trồng 10.000 ha thay vì 20.000 ha như đề xuất”, ông Hà nhấn mạnh.
“Cao su không vấn đề gì”
Trước ý kiến của Chủ tịch BIDV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển nông - lâm nghiệp là thế mạnh căn bản giúp Lai Châu xóa đói giảm nghèo. Tại đây, một số tập đoàn cây đã hình thành và phát huy hiệu quả tốt.
“Cao su tôi nghĩ không có vấn đề gì. Cùng với đó, Lai Châu nên phát triển mạnh chè và lúa đặc sản địa phương, đặc biệt là trồng rừng, Lai Châu là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, Thủ tướng phát biểu.
Mắc ca cũng được cho là cây "tỷ đô" của Việt Nam. Ảnh: MC. |
Trong khi đó, trao đổi riêng với Zing.vn, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho hay, về hiệu quả của cây mắc ca, tỉnh còn đang nghiên cứu. Với cây cao su, tỉnh đang thực hiện theo đề án chung được quy hoạch bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Ở Lai Châu, năm nay chúng tôi mới bắt đầu khai thác nên chưa đánh giá được hiệu quả. Nhưng mắc ca được xem là cây đa mục tiêu, phủ xanh đất trống, đồi trọc và cũng là cây phát triển kinh tế cho đồng bào khu tái định cư”, ông Chử thông tin.
Theo Quyết định 750/QĐ-CP của Chính phủ, quy hoạch cây cao su đến năm 2015 tầm nhìn 2020 cả nước ổn định 800.000 ha cây cao su. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích của loại cây công nghiệp này đã vượt chỉ tiêu 150.000 ha. |