Sau hơn 3 giờ thu phí, từ 12h45 ngày 30/11, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã bị thanh tra Bộ GTVT yêu cầu xả trạm do ùn tắc kéo dài trên quốc lộ 1, cả hai hướng từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại.
Buổi sáng, việc thu phí diễn ra khá ổn định. Hơn 12h giao thông ùn tắc kéo dài, nhiều tài xế dùng tiền lẻ và tiền 500.000 đồng để mua vé. Khi thấy chủ đầu tư không có động thái gì dù ùn tắc nhiều km, đại diện thanh tra Bộ GTVT đã đi xe máy kiểm tra rồi quay lại yêu cầu xả trạm.
Sau đó, khi các phương tiện qua đây ổn định hơn, nhân viên tiếp tục thu phí trở lại.
Tài xế Phương bị áp giải ra khỏi BOT Cai Lậy. Ảnh: Minh Anh. |
15h30, nhiều tài xế dừng xe đòi gặp lãnh đạo trạm khiến ùn tắc tái diễn ở hướng từ TP.HCM đi miền Tây. Sau đó, giữa tài xế và nhân viên BOT Cai Lậy đã xảy ra cự cãi tại quầy thu phí. Lực lượng của BOT Cai Lậy đã điều 2 xe cứu hộ vào làn thu phí, cẩu phương tiện ra ngoài.
Cùng lúc, rất nhiều công an xuất hiện giữ trật tự tại hiện trường. Vài phút sau, xuất hiện một nhóm tài xế sử dụng tiền lẻ và nhiều ôtô, chia ra nhiều làn, đến khu vực cabin thu phí bấm còi inh ỏi.
Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy trưa 30/11. Ảnh: Việt Tường. |
16h15, lực lượng cảnh sát được tăng cường tới hiện trường, giải thích tài xế di chuyển ra khỏi làn thu phí để tránh tình trạng ùn tắc, nhưng tài xế vẫn không chấp hành. Tình trạng ùn tắc khu vực BOT Cai Lậy chưa thuyên giảm, không khí căng thẳng hơn.
Đại diện BOT Cai Lậy yêu cầu tài xế di chuyển ra ngoài để tránh ùn tắc nhưng vẫn không được. An ninh tại BOT Cai Lậy được tăng cường
Một người lớn tiếng với nhân viên trạm thu phí tại chốt thu tiền mệnh giá thấp. Ảnh: Việt Tường. |
Đến 16h55, BOT Cai Lậy xả trạm lần thứ 2 trong ngày do ùn tắc giao thông. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát cơ động tiếp tục được tăng cường đến trạm thu phí để vãn hồi trật tự.
Cảnh hỗn loạn tại BOT Cai Lậy. Ảnh: Việt Tường. |
Theo Người Lao Động, 17h, tài xế Trịnh Hồng Phương (50 tuổi, ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) điều khiển ôtô 7 chỗ qua trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ông Phương đưa nhân viên nhận tiền lẻ thì một lúc sau xe cẩu được điều tới và một CSGT đã tạm giữ bằng lái xe của ông.
CSGT lập biên bản xử phạt hành chính ông Phương lỗi điều khiển xe ôtô dừng trái quy định gây ách tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông tại BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, ông không đồng ý ký vào biên bản và nêu ý kiến: "Tôi không vi phạm hai lỗi trên. Tôi chỉ dừng xe qua trạm nhưng viên không thối tiền lại".
Cảnh sát được tăng cường về BOT Cai Lậy. Ảnh: Minh Anh. |
Bị giữ giấy tờ không lập biên bản, ông Phương và nhiều tài xế bỏ xe đi tìm đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an Tiền Giang, để hỏi rõ sự tình. Lúc này, đại tá Bảo bị hàng loạt tài xế vây quanh, không cho rời khỏi hiện trường. Khi cảnh sát cơ động được điều tới thì mọi việc mới "giảm nhiệt". Ít nhất ba người bị cảnh sát tạm giữ, trong đó có tài xế Phương.
Đến 17h30, sau khi một số người được đưa khỏi trạm thu phí, giao thông trở lại bình thường và BOT Cai Lậy thu phí trở lại.
Một ôtô bị xe cẩu kéo ra khỏi làn thu phí tại BOT Cai Lậy. Ảnh: Đức Thịnh. |
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.
Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet. Giá vé giảm chừng 30% nhưng thời gian thu phí dài gần gấp đôi.
Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu không kinh doanh vận tải.