Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng ma thực dân Nhật Bản và sự chia rẽ 100 năm chưa nguôi ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc trước Thế chiến II, hàng trăm nghìn người cộng tác với thực dân Nhật đã đàn áp những đồng bào đấu tranh đòi độc lập. Mâu thuẫn đó tới nay vẫn còn gay gắt.

Một thế kỷ sau khi người Hàn Quốc biểu tình rầm rộ chống lại sự thống trị của thực dân Nhật Bản, mâu thuẫn xoay quanh những người Hàn đi theo Nhật của thời đó - nhiều người sau này thuộc tầng lớp giàu có, quyền lực ở Hàn Quốc - vẫn là điều ẩn giấu tại xứ sở kim chi.

Mối hận thù chưa bao giờ được hàn gắn

Khi chính quyền bán đảo Triều Tiên ký hiệp ước 1910 trao chủ quyền trên bán đảo cho Nhật Bản, người cai trị mới đã trao cho 76 chính trị gia và quan chức người Triều Tiên các chức vị cao quý của Nhật và các khoản lương hưu hàng triệu USD.

Trong 35 năm tiếp theo, hàng trăm nghìn người Triều Tiên đã làm việc cho chính quyền thuộc địa trong các vị trí như công chức, binh lính, giáo viên hoặc cảnh sát.

Và theo các nhà sử học, hàng trăm nghìn người khác bị ép buộc nhập ngũ chiến đấu ngoài mặt trận, lao động cưỡng ép, và làm nô lệ tình dục trong thời chiến.

Vài nghìn người khác đã phải sống lưu vong ở Trung Quốc để chiến đấu chống lại quân Nhật Bản.

Cuộc đấu tranh giành độc lập chính là nguồn gốc của cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc, nhưng 8 trong số 10 người Hàn Quốc tin rằng đất nước mình chưa bao giờ hòa giải được sự chia rẽ giữa những người thân Nhật - chống Nhật trong thời kỳ đó, theo một báo cáo chính phủ được công bố cho dịp kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Độc lập 1/3.

mau thuan Han Quoc Nhat Ban anh 1
Người dân Seoul kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Độc lập 1/3. Ảnh: AFP.

Vào ngày 1/3/1919 đã diễn ra các cuộc biểu tình lớn chống sự cai trị của Nhật Bản, để rồi bị dập tắt bằng bạo lực, với 7.500 người chết trong 2 tháng và 46.000 người bị bắt giữ, theo tài liệu lưu trữ quốc gia của Seoul.

Trong bài phát biểu kỷ niệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng “xóa sạch những dấu tích của việc cộng tác với Nhật Bản” là “điều nên được thực hiện từ lâu”.

Nhưng đó là một vấn đề chính trị đầy tranh cãi, trong đó những người hợp tác với Nhật Bản được coi là cánh hữu, còn ông Moon chịu sức ép từ những người bảo thủ đang muốn gán cho ông hình ảnh một người thân Triều Tiên.

Quê hương giải phóng, người Hàn vẫn giết nhau

Các vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki đã buộc Tokyo đầu hàng trong Thế chiến II và chấm dứt sự thống trị thực dân, để rồi bán đảo Triều Tiên lại bị chia cắt.

Ở miền Bắc, chế độ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành do Liên Xô hậu thuẫn đã xử tử hàng loạt những người hợp tác với Nhật. Ở miền Nam, chính quyền Syngman Rhee theo Mỹ đã tuyển nhiều sĩ quan và quan chức thời thuộc địa để tận dụng chuyên môn và kinh nghiệm của họ.

mau thuan Han Quoc Nhat Ban anh 2
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng “xóa sạch những dấu tích của việc cộng tác với Nhật Bản” là “điều nên được thực hiện từ lâu”. Ảnh: AFP.

Những thù hằn quá khứ vẫn làm phức tạp quan hệ giữa Seoul và Tokyo cho đến ngày nay, và cản trở việc Hàn Quốc hòa giải một cách đúng mức với lịch sử, theo Lee Young Hun, một cựu giáo sư kinh tế gây tranh cãi của Đại học Quốc gia Seoul.

“Những người được coi là đã cộng tác với Nhật là những người Hàn Quốc đã đón nhận chủ nghĩa hiện đại”, ông Lee, người bị một số báo đài Hàn Quốc chế giễu là “thực dân”, nói với AFP.

Người khổ 3 đời, kẻ sướng 3 đời

Trong số những người phải sống lưu vong có ông cố của bà Shin Young Shin. Ông là một tướng Triều Tiên bị cầm tù và tra tấn bởi quân đội do Nhật hậu thuẫn.

Cả cha mẹ của bà Shin đều tham gia phong trào độc lập, nhưng phải vật lộn để nuôi sống gia đình khi họ trở lại miền Nam vào cuối những năm 1940.

“Cha mẹ tôi không có gì, thậm chí là một xu từ chính phủ, dù cho họ đã hoạt động như vậy khi còn sống”, bà Shin, 71 tuổi, nói với AFP trong căn hộ nhỏ của bà ở Ansam, phía nam Seoul.

mau thuan Han Quoc Nhat Ban anh 3
Ông cố của bà Shin Young Shin là một tướng Triều Tiên bị cầm tù và tra tấn bởi quân đội do Nhật hậu thuẫn. Ảnh: AFP.

Theo số liệu của chính quyền, gần 3/4 con cháu các nhà hoạt động đòi độc lập ở Seoul kiếm được ít hơn 2 triệu won (1.800 USD) mỗi tháng.

Nhưng hậu duệ của những người cộng tác với Nhật - được định nghĩa theo luật pháp Hàn Quốc là những người nhận chức danh dưới sự cai trị của Nhật, đã bắt giữ hoặc giết hại những nhà hoạt động đòi độc lập - đều đang sống sung túc.

Một trong những người nhận được chức tước vào năm 1910, và nằm trong danh sách 1.005 người đã cộng tác với Nhật mà Seoul công bố 10 năm trước, là Song Byung Jun.

Con trai ông đứng đầu đơn vị an ninh đã bỏ tù ông cố của Shin, còn cháu của ông là giám đốc đầu tiên của ngân hàng trung ương ở Seoul.

mau thuan Han Quoc Nhat Ban anh 4
Con cháu những người góp phần quan trọng cho phong trào độc lập chống lại thực dân Nhật Bản nói gia đình họ không được hỗ trợ gì từ Seoul. Ảnh: AFP.

Một số tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc được thành lập trong thời kỳ thuộc địa. Các giám đốc có danh tiếng, bao gồm chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hyun Jeong Eun, đã kiện để xóa tên tổ tiên khỏi danh sách người cộng tác với Nhật.

Park Chung Hee là một sĩ quan trong lực lượng Nhật Bản trước khi trở thành lãnh đạo chính quyền quân phiệt ở Hàn Quốc trong 18 năm, cho tới khi ông bị ám sát năm 1979. Con gái của ông sau này đắc cử tổng thống năm 2012.

Ông Park, về chính thức, không thuộc những người cộng tác với Nhật, nhưng nằm trong một danh sách dài hơn gồm 4.389 cái tên do Trung tâm Sự thật và Công lý Lịch sử (CHTJ) tập hợp. Danh sách này bao gồm những người nổi tiếng trong giới văn hóa như Ahn Eak Tai, người sáng tác quốc ca Hàn Quốc.

“Có thành ngữ phổ biến ở Hàn Quốc có thể dịch ra thành ‘người đấu tranh đòi độc lập khổ 3 đời, kẻ cộng tác với Nhật sướng 3 đời’”, nhà nghiên cứu của CHTJ Lee Yong Chang nói với AFP.

Bà Shin sẽ khó có thể chấp nhận được sự trái ngược đó, dù mẹ của bà sau này được truy tặng huân chương cho người có công lập quốc.

“Tôi đã cầu nguyện để mình có thể yêu mến kẻ thù”, bà nói với AFP. “Nhưng tôi không thể yêu mến những người cộng tác với Nhật”.

Tổng thống Hàn: Nhật nên có thái độ ' khiêm tốn hơn' về quá khứ

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói Nhật Bản nên có thái độ khiêm tốn hơn đối với quá khứ giữa lúc quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do tranh chấp về lịch sử và lãnh thổ.

Nhật - Hàn tiếp tục bất đồng về lá cờ 'Mặt trời mọc'

Bất đồng về cờ hiệu hải quân của Nhật Bản vẫn tiếp tục được nhắc lại trong cuộc họp giữa lãnh đạo bộ quốc phòng nước này với người đồng cấp phía Hàn Quốc bên lề ADMM+ lần 5.

Trọng Thuấn

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm