Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Bóng ma' khủng hoảng eo biển Đài Loan đeo bám chuyến đi của bà Pelosi

Nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xuất hiện tại Đài Loan trong chuyến công du châu Á, điều đó có thể dẫn đến "khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 4".

ba pelosi cong du chau a anh 1

Xung đột cận kề đã xảy ra 26 năm trước, trong sự kiện được gọi là "khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3" năm 1995-1996. Và lúc này, nguy cơ khủng hoảng một lần nữa lại chực chờ bùng nổ.

Theo thông báo chính thức, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bắt đầu thăm 4 quốc gia châu Á - Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore - từ ngày 31/7. Thông báo không đề cập đến chuyến thăm tới đảo Đài Loan nhưng khả năng ấy vẫn hiện hữu.

Rõ ràng việc hòn đảo có khả năng lần đầu tiếp đón một chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 25 năm không phải động thái dễ chịu với Trung Quốc đại lục, và Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo sẽ có "biện pháp cứng rắn". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden căng thẳng có thể leo thang nếu bà Pelosi đến Đài Loan.

Song người đứng đầu Nhà Trắng dường như không thể làm gì để thay đổi nghị trình của bà Pelosi. "Bộ Quốc phòng Mỹ nghĩ (chuyến thăm Đài Loan) không phải ý tưởng tốt vào lúc này", ông Biden nói với phóng viên.

Bên bờ vực khủng hoảng

Năm 1996 được cho là mốc thời gian có nhiều bước ngoặt trong căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan. Tuy vậy, căng thẳng đã bắt đầu từ một năm trước, khi Washington chấp thuận cho cố lãnh đạo Đài Loan Lý Gia Hùng đến Mỹ để phát biểu tại Đại học Cornell.

Washington phản ứng bằng việc tập trận hải quân ở eo biển Đài Loan, với đỉnh điểm là đợt điều nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz đến eo biển hồi tháng 12/1995.

ba pelosi cong du chau a anh 2

Ông Lý Gia Hùng trong lần thứ hai về thăm Đại học Cornell vào năm 2001. Ông lấy bằng tiến sĩ nông nghiệp tại đại học này, và trở lại đây lần đầu tiên trong bài phát biểu gây sóng gió năm 1995 Ảnh: Cornell University.

Nhiều người đã nghĩ ông Lý sẽ tận dụng cơ hội này để tuyên bố độc lập, song lập trường của cựu lãnh đạo Đài Loan khá mơ hồ. Nhiều năm sau đó, ông thậm chí khẳng định không ủng hộ Đài Loan độc lập. Ông Lý được cho là thắng kỳ bầu cử năm 1996 vì đối thủ muốn hòn đảo thống nhất với đại lục.

Phản ứng sau khi ông Lý Gia Hùng đến Mỹ, Bắc Kinh đáp trả bằng việc triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Washington. Ngày 21/7/1995, quân đội Trung Quốc (PLA) phóng 2 tên lửa vào khu vực cách phía bắc đảo Đài Loan khoảng 160 km.

Trong ngày bầu cử Đài Loan 23/3/1996, Bắc Kinh đã có những vụ thử tên lửa và tập trận hải quân, bao gồm tác chiến đổ bộ lên một hòn đảo “có sự tương đồng về địa hình với Đài Loan”. Trung Quốc đại lục đã bắn tên lửa đạn đạo M-9 xuống gần cảng Cơ Long và Cao Hùng của hòn đảo, cũng như tập trận bắn đạn thật trên đảo Bành Hồ.

Với khả năng mang đầu đạn hạt nhân, những quả tên lửa trên đã khiến Washington lo ngại. Hai tháng sau, phó tham mưu trưởng Trung Quốc, khi đó là tướng Xiong Guangkai, đã nói với Chas W.Freeman Jr. - chuyên gia về Trung Quốc từng làm trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - rằng Mỹ sẽ không thể đe dọa Bắc Kinh một lần nữa.

“Vào những năm 1950, các ông từng 3 lần dọa tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, và các ông có thể làm vậy vì chúng tôi không thể chống trả. Bây giờ chúng tôi đã có khả năng ấy. Các ông không thể đe dọa chúng tôi nữa vì cuối cùng, các ông vẫn quan tâm đến Los Angeles nhiều hơn Đài Bắc”, Guangkai nói với ông Freeman Jr.

Trước ngày bầu cử trên đảo Đài Loan năm 1996, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đã cảnh báo quan chức an ninh quốc gia Trung Quốc Liu Huaqiu rằng sẽ có “hậu quả khôn lường” nếu vũ khí Bắc Kinh tấn công hòn đảo.

ba pelosi cong du chau a anh 3

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngày 11/3/1996, 4 ngày sau lời cảnh báo của ông Perry, tàu sân bay Nimitz của Mỹ được điều hướng từ Vịnh Ba Tư trở lại eo biển Đài Loan, khiến mọi thứ “rất căng thẳng”.

“Chúng tôi thức đêm trong nhiều tuần, chuẩn bị kế hoạch và phương án cho chiến tranh. Nó rất kinh khủng”, một nhân viên quốc phòng Mỹ nói với Washington Post. Mọi chuyện sau đó đã hạ nhiệt khi các bên xuống thang căng thẳng, kết thúc "khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3".

Kịch bản lặp lại?

Kịch bản tương tự năm 1996 có thể lặp lại. Một phần lý do là chính quyền Biden cam kết sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh so với người tiền nhiệm.

Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích “Bắc Kinh ngày càng gia tăng hành vi cưỡng ép". Một tháng sau, tới lượt Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo Trung Quốc có hoạt động “khiêu khích và gây bất ổn” gần Đài Loan.

Tổng thống Joe Biden cũng nhiều lần thể hiện ông không còn ủng hộ chính sách “mơ hồ chiến lược”. Theo chính sách ấy, Mỹ công nhận Đài Loan là một phần của "một Trung Quốc", nhưng cam kết sẽ ngăn Bắc Kinh thống nhất hòn đảo này bằng vũ lực.

Bắc Kinh từng có hoạt động quân sự mỗi khi các quan chức Mỹ đến Đài Loan và lần này cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh chuyến thăm của bà Pelosi tới châu Á, Trung Quốc ngày 30/7 đã tập trận bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, cách bờ biển Đài Loan 120 km, dù trong thông báo chính thức của phía Mỹ không đề cập đến chuyến thăm hòn đảo.

ba pelosi cong du chau a anh 4

Vấn đề Đài Loan được cho là trọng tâm đối ngoại của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc những ngày tới. Ảnh: Reuters.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời Singapore và hướng đến eo biển Đài Loan, khiến mọi thứ đang gần giống với câu chuyện năm 1996.

Cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã dần thu hẹp kể từ thời điểm đó. Ngân sách quốc phòng của Washington tăng 40% trong 2 thập niên trở lại, trong khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng liên tục trong 27 năm qua.

Chính quyền ông Biden đang có những bước đi mạo hiểm hơn người tiền nhiệm Donald Trump. Dù những lệnh áp thuế của ông Trump đã làm phật lòng Bắc Kinh, Washington không có nhiều động thái đáng chú ý với Đài Loan trong nhiệm kỳ vị cựu tổng thống Mỹ.

“Đài Loan ngay sát Trung Quốc, trong khi chúng ta cách xa hơn 12.000 km. Nếu họ (Trung Quốc) tấn công, chúng ta không thể làm gì”, ông Trump từng nói với một thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Tàu sân bay Mỹ hướng tới eo biển Đài Loan

Tàu USS Ronald Reagan và nhóm tàu hộ tống đã rời Singapore và hướng tới eo biển Đài Loan, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung lên cao do thông tin bà Pelosi có thể sẽ tới thăm hòn đảo.

Trần Hoàng

Theo Bloomberg

Bạn có thể quan tâm