Tại sòng bài và khách sạn Jin Bei của Sihanoukville, các cô gái trẻ người Campuchia mặc váy bó sát, tay cầm theo những ly cocktail màu ngọc lam mang cho các con bạc Trung Quốc. Khoảng 12 người phục vụ trong phòng, nhặt những tờ phiếu từ người chơi và chuyển chúng thành token (thẻ đổi tiền) bằng nhựa.
“Tôi kiếm được 500 USD mỗi tháng, một số tiền nhỏ ở quốc gia có mức lương tối thiểu là 170 USD. Hầu hết người chơi tại đây đều đặt cược lớn với trị giá token tối thiểu là 100 USD”, CNN dẫn lời người thu tiền tại sòng bạc.
Từng là thiên đường bên bờ biển, thu hút du khách bởi sự tĩnh lặng, Sihanoukville đã biến thành một công trường khổng lồ trong vòng 3 năm qua. Những con đường ngập trong bùn đất, cần cẩu che khuất đường chân trời và tiếng búa vang vọng đến tận đêm khuya.
Một casino ở Sihanoukville. Ảnh: Nikkei. |
Tất cả thuộc chủ sở hữu Trung Quốc
Nhiều tòa nhà mới được dùng làm sòng bạc. Số sòng bạc của thành phố nằm trên bờ biển phía nam Campuchia tăng từ 15 vào cuối năm 2015 lên 88.
Hầu hết hoạt động này được giới đầu tư Trung Quốc tiến hành, theo chuyên gia nghiên cứu Astrid Noren-Nilsson của Đại học Lund (Thụy Điển). “Ước tính 90% doanh nghiệp ở Sihanoukville, bao gồm khách sạn, nhà hàng và cơ sở giải trí, thuộc sở hữu của chủ đầu tư Trung Quốc”, cô tiết lộ.
Các ký tự Trung Quốc tràn ngập phía trước những dãy nhà ở Sihanoukville. Trên bãi biển, các nhà hàng lẩu Tứ Xuyên đã thay thế những quán bia giá rẻ từng được du khách phương Tây yêu thích.
Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân địa phương, làm giảm thu nhập từ những kênh du lịch truyền thống, đẩy nhiều người dân địa phương vài cảnh phải chấp nhận làm những công việc nguy hiểm tại các công trường xây dựng và thúc đẩy ngành công nghiệp sòng bạc phát triển mạnh tại thành phố.
Những tòa nhà của các chủ đầu tư Trung Quốc đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương. Ảnh: CNN. |
Bằng cách biến Sihanoukville thành một thánh địa cờ bạc, Campuchia hy vọng sẽ cạnh tranh với các trung tâm cờ bạc ở châu Á như Macao, Singapore và Manila.
Luật pháp Campuchia từ năm 1996 cấm người dân địa phương chơi cờ bạc. Vì vậy, thành phố hy vọng thu hút các khách du lịch Trung Quốc vì họ không được đánh bạc tại quê hương.
“Lấy giấy phép sòng bạc ở Campuchia rất đơn giản. Để có được một giấy phép, tất cả những gì bạn cần là chứng minh rằng bạn có đất và trả một khoản phí cho Bộ Tài chính Campuchia, những người chịu trách nhiệm giám sát các sòng bạc”, Ben Lee, nhà sáng lập của công ty tư vấn IGamiX (Macao), tiết lộ.
Không có quy định buộc các ông chủ sòng bạc kiểm tra danh tính khách hàng hay xác minh nguồn gốc tiền bạc. Thu nhập từ cờ bạc không bị đánh thuế, mặc dù chính phủ thu phí hàng tháng từ các sòng bạc lớn và khoản phí cố định tại những sòng bạc nhỏ hơn.
Theo dự luật dự kiến ban hành vào năm sau, sòng bạc sẽ bị áp thuế 4-5% lên doanh thu. Ở Macao, mức thuế là 38% đến 39%.
Nguy cơ rửa tiền
Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính, một tổ chức chống tội phạm do G7 thành lập, gần đây đã đưa Campuchia vào danh sách các quốc gia dễ bị rửa tiền bởi thiếu quy định quản lý các sòng bạc.
Một vài sòng bạc lớn đã bắt đầu mọc lên. Wisney World sẽ có 3 sòng bạc theo chủ đề công viên giải trí, cuộc hành trình trên sa mạc và hồ nhân tạo. Trong khi đó, ở phía đông thành phố, Suncity và Jincheng Group xây dựng một khu phức hợp giải trí khổng lồ có tên Chinatown.
Sihanoukville cũng trở thành điểm nóng của các sòng bạc trực tuyến. “Trò chơi được phát trực tiếp đến những người đặt cược ở xa, họ thường đến từ Trung Quốc”, Jonny Ferrari, một chuyên gia tư vấn người Canada, tiết lộ.
Sự hiện diện của người Trung Quốc được thể hiện rất rõ ràng ở Sihanoukville. Ảnh: Nikkei. |
Campuchia quản lý rất lỏng lẻo ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến. “Tôi đã thấy các doanh nhân Trung Quốc mua nhà, lấy giấy phép sòng bạc và thuê nhân sự. Miễn là họ trả tiền, họ sẽ không bị tra hỏi bất cứ điều gì. Họ thậm chí không cần xuất trình giấy tờ tùy thân”, Farrari kể.
Các hoạt động các cược trên mạng là hợp pháp ở Campuchia nhưng bị cấm tại Trung Quốc. Để đối phó với lệnh cấm và các biện pháp kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt của Bắc Kinh, Ferrari cho biết “các đại lý thu tiền ở Trung Quốc sử dụng WeChat Pay hoặc Bitcoin, và một đại diện địa phương ở Campuchia cung cấp khoản tạm ứng tiền mặt”.
Mối quan hệ mật thiết
Các công ty Trung Quốc bắt đầu đặt nền móng tại Campuchia từ những năm 1990. Nhưng mối quan tâm của họ thực sự tăng lên sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kế hoạch nhằm thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu vào năm 2013.
Bắc Kinh đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia từ năm 2013 đến năm 2017, theo Phó Tổng thư ký của Ủy ban Đầu tư Campuchia, Nut Unvoanra. “Chỉ trong năm nay, các dự án mới trị giá 4,8 tỷ USD được công bố”, chuyên gia Andrew Davenport của RWR Advisory Group tiết lộ.
Các khoản đầu tư có ý nghĩa thương mại đáng kể. Nhà sản xuất Trung Quốc hưởng lợi từ lao động giá rẻ ở Campuchia và tránh đòn thuế từ Mỹ. Tại Sihanoukville, công ty Trung Quốc Jiangsu Taihu Cambodia International Economic Cooperation Investment và một đối tác địa phương đã thành lập đặc khu kinh tế ở ngoại ô thị trấn.
Hơn 160 công ty Trung Quốc, chủ yếu là hàng may mặc, đồ da và đồ nội thất, hoạt động tại đặc khu này. Hồi tháng 6, Mỹ đã trừng phạt một số công ty này vì né tránh đòn thuế bằng cách dán nhãn hàng hóa Campuchia, dù chúng được sản xuất ở Trung Quốc.
Hàng loạt công trình hạ tầng do Trung Quốc đầu tư mọc lên ở Sihanoukville. Ảnh: Nikkei. |
‘Bắc Kinh muốn tạo ra thị trường mới cho các công ty cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Họ cần xuất khẩu sắt và xi măng bằng cách xây dựng đường bộ, sân bay và các tuyến đường sắt”, chuyên gia Agatha Kratz của Rhodium Group bình luận.
Bà đưa ra ví dụ về việc Công ty nhà nước China Communications Construction đã xây một đường cao tốc bốn làn trị giá 2 tỷ USD, nối liền Sihanoukville và Phnom Penh, giảm thời gian di chuyển từ 6 tiếng xuống còn 2 tiếng.
Nhiều dự án trong số này được tài trợ bằng các khoản vay của Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2018, Campuchia đã vay 4,6 tỷ USD từ Trung Quốc, theo một báo cáo chính thức về nợ công của nước này.
“Khách du lịch không USD”
Với khách sạn và sòng bạc mới, Sihanoukville có mục đích thu hút khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu mới. Sân bay của thành phố có hàng chục chuyến bay đến các thành phố hạng hai và hạng ba ở Trung Quốc.
Năm 2018, 2 triệu trong số 6,2 triệu khách du lịch đến thăm Campuchia là người Trung Quốc.
Nhiều người trong số đó lần đầu đi du lịch nước ngoài. Họ thích ở khách sạn và ăn trong những nhà hàng có nhân viên người Trung Quốc. Một số người được xe đưa đón đưa thẳng từ sân bay đến sòng bạc và dành 1 tuần chỉ để đánh bạc trước khi trở lại Trung Quốc.
Người dân địa phương gọi những khách du lịch này là "khách du lịch không USD", vì họ hầu như không tiêu tiền Campuchia mà đã thanh toán toàn bộ gói du lịch trước khi rời Trung Quốc.
Người Campuchia phải đảm nhận những công việc nguy hiểm. Ảnh: CNN. |
Nhiều cư dân địa phương phàn nàn rằng điều này khiến họ mất đi doanh thu từ du lịch truyền thống.
"Tôi vẫn còn một vài khách hàng địa phương, nhưng khách du lịch Trung Quốc không đến đây và khách phương Tây cũng đi mất. Tôi thích họ hơn. Họ đến đây để vui chơi chứ không phải đánh bạc. Và họ hiểu rằng người dân địa phương cũng cần kiếm sống", Keo Puth Vireak, 50 tuổi, chủ một sạp hàng trên bãi biển, than phiền.
Đằng sau bãi biển, con đường từng đông nghịt quán bar và đại lý du lịch giờ chỉ còn những biển hiệu "bán nhà".
Công việc nguy hiểm
Athit Kong, một thành viên công đoàn, cho biết một số công việc dành cho người dân địa phương rất khó khăn và nguy hiểm. "Tại các công trường xây dựng, công nhân Trung Quốc đảm nhận những công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Người Campuchia chỉ được thuê để làm công việc tay chân", ông nói thêm.
Ở Sihanoukville, nhiều người lao động địa phương mang giày thể thao, không đội mũ bảo hiểm, buộc áo phông quanh miệng để tránh bụi. Các công nhân thường sống ngay tại khu nhà máy. "Đây là một mối nguy hiểm lớn, tòa nhà đang xây dựng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào", Kong gay gắt.
Hồi tháng 6, Kreal Oeun và chồng đang ngủ say thì tòa nhà nơi họ ngủ bị sập, khiến 28 người thiệt mạng. Cặp vợ chồng cũng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát suốt 12 tiếng. "Trời nóng kinh khủng và chúng tôi không có gì để uống. Để sống sót, chúng tôi phải liếm hơi nước trên tường", chồng cô, Nhov Channeth, 30 tuổi, kể lại.
Công nhân Campuchia phải sống trong những công trình xây dở. Ảnh: CNN. |
Họ phải sống với các công nhân khác tại một chỗ ở tạm thời trên tầng hai của tòa nhà đang được xây dựng. Theo Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch và Xây dựng đô thị Campuchia, các nhà thầu không đảm bảo giấy phép xây dựng.
Những công việc ở sòng bạc cũng không tốt như tưởng tượng. “Tôi đã chứng kiến những bé gái 13 tuổi phải ngừng học để làm việc tại sòng bài. Chúng phải làm việc 12 tiếng và thường xuyên bị khách hàng quấy rối”, chuyên gia Maggie Eno, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ, chia sẻ.
Cuộc sống khó khăn
Khi tiền của Trung Quốc đổ vào, Sihanoukville phải vật lộn để đối phó với tốc độ phát triển quá mức. “Chúng tôi thường xuyên bị mất nước và cắt điện. Tổ chức của tôi cũng gặp nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết và cảm lạnh vì hệ thống thoát nước kém”, Eno nói thêm.
Nhựa cũng tràn ngập các bãi biển. Vi khuẩn trong nước thải thô chứa trong chất thải chảy thẳng ra biển. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với người dân địa phương là chi phí sinh hoạt tăng cao. Căn hộ hai phòng ngủ từng có giá 300 USD/tháng giờ tăng lên 3.000 USD/tháng.
Có những nơi, khoảng 100 gia đình sống chen chúc trong các lán có mái che và sàn đất dài khoảng 10 m. "Chúng tôi đã sống ở đây được 13 năm. Cuộc sống thật khó khăn. Chúng tôi phải dùng chung một cái giếng duy nhất và không có điện", ông Boeun Korng, 66 tuổi, than thở.
Bị đuổi khỏi cánh đồng lúa vào năm 2007, họ sắp phải chuyển đi một lần nữa để nhường chỗ cho đường cao tố mới do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng. "Chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi. Chúng tôi thà chết ở đây", ông Korng quyết liệt.
Bờ biển Campuchia bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: CNN. |
Câu chuyện của họ không còn xa lạ ở Sihanoukville. Những người dân nghèo bị các doanh nhân địa phương bắt rời khỏi nhà của mình, những mảnh đất này sau đó được cho thuê hoặc bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hồi tháng 1, cảnh sát Sihanoukville đã nổ súng vào những người nông dân địa phương, sự việc gây lên làn sóng bất mãn mạnh mẽ. Chính phủ Campuchia nỗ lực dập tắt làn sóng phẫn nộ.
Năm nay, 91 chủ sòng bạc trực tuyến Trung Quốc bị dẫn độ về quê nhà sau khi thiết lập các trang web đánh bạc trực tuyến có liên quan đến cá cược bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Đến cuối tháng 8, 335 nghi phạm cũng bị bắt giữ trong một cuộc đàn áp chung giữa Phnom Penh và Bắc Kinh. Hồi tháng 8, Campuchia tuyên bố sẽ ngừng cấp phép hoạt động ảo này.
“Cờ bạc trực tuyến giống như khối u ác tính. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Campuchia để áp dụng các biện pháp thiết thực để loại bỏ nó", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN.
"Nhưng có lẽ đã quá muộn. Người dân đang phẫn nộ và có tâm lý tẩy chay Trung Quốc", chuyên gia Eno cho biết.