Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bông hoa thép' đưa Dược Hậu Giang qua bờ phá sản

Sinh năm 1951, bà hiện là chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm.

'Bông hoa thép' đưa Dược Hậu Giang qua bờ phá sản

Sinh năm 1951, bà hiện là chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm.

Ngày nay, khi nói đến tài sản của doanh nghiệp, người ta luôn nhắc đến yếu tố con người. Trong ngành dược, ai cũng biết Dược Hậu Giang sở hữu một đội ngũ nhân sự giỏi, luôn hết lòng với doanh nghiệp. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, Dược Hậu Giang vẫn đạt những mục tiêu của từng giai đoạn phát triển.

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga, chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang chia sẻ: "Bí quyết thành công của chúng tôi là sở hữu một đội ngũ mạnh, trên dưới một lòng, sẵn sàng gắn bó và cống hiến vượt qua mọi khó khăn".

Thành quả là đội ngũ kế thừa

Chèo lái đưa “con thuyền” Dược Hậu Giang từ một xí nghiệp dược trên bờ vực phá sản trở thành công ty Dược hàng đầu Việt Nam, trong ngành dược, người ta gọi bà là “bông hoa thép trên thương trường”.

Sau 38 năm gắn bó, rời vị trí CEO tại Dược Hậu Giang, doanh nhân Phạm Thị Việt Nga rất khiêm tốn khi nói về mình: “Thành quả lớn nhất tôi để lại chính là “đội ngũ kế thừa”.

Cách nói giản dị của bà thực ra lại phản ánh chân thực nét văn hóa đặc trưng mà bất cứ ai tiếp xúc với đội ngũ của Dược Hậu Giang cảm nhận được: đội ngũ hết lòng với công việc, coi doanh nghiệp là ngôi nhà của mình. Trong mỗi hành động, mỗi thành viên đều mang một viên gạch nhỏ xây nên ngôi nhà chung.

Một doanh nghiệp có hàng ngàn nhân sự, kênh phân phối rộng khắp, doanh thu hàng vài ngàn tỷ đồng… nhưng giá trị cốt lõi của Dược Hậu Giang lại nằm ở yếu tố con người. “Con người là yếu tố cốt then chốt của bất cứ doanh nghiệp nào. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt mục tiêu đào tạo, xây dựng đội ngũ kế thừa. Chỉ có đội ngũ mới tạo ra sức mạnh, chứ không phải những cá nhân đơn lẻ làm việc với nhau”, bà Nga chia sẻ.

Quản trị đội ngũ chứ không lãnh đạo đám đông

 

Bà dùng từ “đội ngũ Dược Hậu Giang” để nói về cộng sự của mình. Theo bà, đội ngũ khác gì với đám đông?

Kinh nghiệm từ khi còn ở chiến trường (xã Khánh Lâm, huyện U Minh – Cà Mau) đến nay, tôi thấy con người là quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp. Thiết bị dù tiên tiến đến mấy thì cũng không có trái tim và trí óc. Đội ngũ khác với đám đông ở chỗ khi có một “đội ngũ” thì bất cứ khó khăn nào cũng vượt qua được. Vì vậy, điều quan trọng nhất để mang lại thành công cho doanh nghiệp là sở hữu một đội ngũ trên dưới một lòng, yêu công việc, làm cho mỗi cá nhân làm việc vì “được làm” chứ không “phải làm”.

Doanh nghiệp chỉ có được đội ngũ khi “sở hữu” được cả tài năng, trái tim, khối óc của họ, làm cho tập thể cùng hướng về mục tiêu chung  như những viên gạch gắn kết xây nên ngôi nhà. Chuyển giao con  thuyền DHG cho đội ngũ kế thừa chèo lái, bà có yên tâm không? Tôi hoàn toàn yên tâm vào đội ngũ kế thừa. Bởi vì họ là những người đã gắn bó mấy chục năm, làm những công việc nhỏ nhất cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo. Trong quá trình làm việc, ai có điểm yếu, mạnh gì tôi cũng đã chỉ rõ và tìm cách bổ sung ngay bằng đào tạo tại chỗ và đưa đi học. Tôi rất tin tưởng đội ngũ kế thừa đủ năng lực để viết tiếp những trang sách mới cho DHG.

Không ngừng học hỏi

Đi lên từ kháng chiến nhưng bà điều hành doanh nghiệp vượt cả các doanh nhân giỏi thời bình. Kỹ năng lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp của bà nhờ liên tục học hỏi.

“Đã làm kinh doanh thì những người đứng đầu phải có kỹ năng quản trị. Bản thân tôi liên tục học hỏi không ngừng. CEO mà đọc báo cáo tài chính không hiểu gì, thế là tôi đi học quản trị kinh doanh rồi học lên tiến sĩ. Chưa hiểu tôi quay lại học thạc sĩ… Ở DHG, các phó, trưởng bộ phận đều phải học thêm về quản trị (ngoài chuyên môn).Vì thế đội ngũ quản lý của DHG hiện nay đều có khả năng về hoạch định chiến lược và quản lý tổ chức rất tốt”, bà Nga cho biết.

Đã thành nề nếp, dù là công việc gì, cũng phải làm tới nơi, tới chốn theo tiêu chí “đã muốn phải làm, đã làm phải thắng”. Bản thân tôi, mỗi buổi công tác với cộng sự tôi đều đào tạo họ. Học là một quá trình liên tục và học qua công việc là cách học hiệu quả nhất.

Kinh doanh bằng sự tử tế

Mặc dù thành công như vậy, đã chuẩn bị được một đội ngũ kế thừa giỏi chuyên môn và tâm huyết với doanh nghiệp. Bà chỉ có chút nuối tiếc: Ngày trước xây dựng đội ngũ DHG với phương thức “gia đình trị”, lấy tình cảm làm nền tảng hoạt động.

“Hình như được sống trong sự bao bọc trong môi trường luôn biết hy sinh – vì nhau, nên đội ngũ của chúng tôi quen nhường nhịn, không cố ganh đua. Tôi chỉ e, đứa nào cũng hiền, ra bên ngoài sẽ phát triển thế nào với xã hội đầy bon chen”, bà chia sẻ.

Chuyển giao cho đội ngũ kế thừa chèo lái, bà không sợ con thuyền DHG đi lệch hướng vì những giá trị đã thành nền tảng văn hóa của DHG. Bà đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng cái tâm và để lại một đội ngũ biết sống và kinh doanh bằng sự “tử tế”. Có thể đó chính là lợi thế cạnh tranh độc đáo của Dược Hậu Giang.

“Tài sản lớn nhất đối với tôi ở Dược Hậu Giang chính là đội ngũ”. Suốt đời bà đối đãi với cộng sự của mình bằng trái tim và tấm lòng của một người làm cách mạng: nhường nhịn, biết sống vì người khác, dám hy sinh, dấn thân và sẵn sàng cho đi. Bà đã làm mà không biết gọi tên chính xác những việc mình làm là gì. Thứ mà các tập đoàn toàn cầu đã đưa vào tinh hoa quản trị như: “Quản trị đội ngũ chứ không quản lý đám đông, Lãnh đạo con người chứ không “cai trị” con người; Vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất.

Luôn tìm cách đào tạo, quan tâm, phát triển và giữ chân người giỏi, bí quyết thành công của DHG là làm cho con người gắn bó với “cỗ máy” mà cả đời bà đã gắn bó hết lòng.

Chỉ có thể “lãnh đạo” khi yêu họ

Sở hữu một đội ngũ nhân sự đoàn kết mà nhiều tập đoàn mơ ước, tài sản lớn nhất của Dược Hậu Giang chính là đội ngũ một lòng hướng về ngôi nhà chung. Phải chăng, doanh nhân Phạm Thị Việt Nga đã truyền tất cả tinh thần của một người kháng chiến, đem cốt cách của người “chiến sĩ” vào kinh doanh: trong mọi hành động, họ là những người “đồng chí” luôn biết sống và hy sinh vì khát vọng: Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Bà lấy cái tâm, sự nồng hậu, cái chân tình giữa người với người để đối đãi với họ.Thì ra, bí quyết để thành công của bà Nga trong suốt 38 năm qua là “chỉ có thể lãnh đạo đội ngũ của mình khi yêu họ”.

Sinh ra trong gia đình ba thế hệ theo cách mạng, 14 tuổi, bà Nga tham gia kháng chiến, phát thuốc, nuôi quân. Có lẽ vì vậy mà bất cứ ai gặp bà ngay từ lần đầu không cảm thấy xa lạ mà vô cùng gần gũi, nồng hậu, chất phác.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951 tại huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Gắn bó với DHG từ những năm 1980 - khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP. Cần Thơ.

 

Công ty CP Dược Hậu Giang phát triển qua các thời kỳ: từ Công ty Vật Tư Y tế Cần Thơ đến Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang. Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang.

Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT. DHG hiện có trên 300 sản phẩm lưu hành trên toàn quốc với 15 thương hiệu sản phẩm được người tiêu dùng biết đến. Doanh thu gần 3.000 tỷ đồng/năm, với gần 3.000 cán bộ nhân viên.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm