Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Bóng đá Việt Nam bật cao được không khi nền chưa vững?

Chiến thắng trước Thái Lan chỉ tạm làm thoả cơn khát vượt qua đối thủ truyền kiếp và có thể khiến chúng ta quên vấn đề quan trọng của các lứa đội tuyển. Đó là nhân sự.

Viet Nam thang Thai Lan anh 1

Bóng đá Việt Nam Bật cao được không khi nền chưa vững?

Chiến thắng trước Thái Lan chỉ tạm làm thoả cơn khát vượt qua đối thủ truyền kiếp và có thể khiến chúng ta quên vấn đề quan trọng của các lứa đội tuyển. Đó là nhân sự.

Viet Nam thang Thai Lan anh 2

Viet Nam thang Thai Lan anh 3

Trương Anh Ngọc

Nhà báo

  • Facebook
  • Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc hiện công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 2010, anh là phóng viên thể thao Việt Nam duy nhất được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Trương Anh Ngọc đã cho ra mắt những cuốn ký sự gồm Nước Ý, câu chuyện tình của tôi; Phút 90++; Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu Hẹn hò với Paris.

Đọc những dòng bình luận của người hâm mộ sau trận Việt Nam thắng Thái Lan 4-0 tại lượt trận cuối bảng K vòng loại U23 Châu Á 2020 trên sân Mỹ Đình, có thể hiểu được họ hạnh phúc đến mức nào.

Thắng Thái Lan, dù chỉ là ở cấp độ đội tuyển U23 hay U19, luôn đem đến một cảm giác thật tuyệt vời. Đấy không chỉ là sự thoả mãn đơn thuần của người hâm mộ ở một nền bóng đá mà trong 21 năm chỉ ba lần được chứng kiến một đội tuyển lớn thắng Thái Lan. Đó còn là lời khẳng định cuối cùng cũng đã thành sự thật: Chúng ta hiện là số 1 Đông Nam Á, ít nhất là trên cấp độ các đội tuyển.

Nhiều người đã nói đến giấc mơ rất gần, World Cup 2022. Nếu tháng 6 này, FIFA chính thức thông qua phương án World Cup tới có 48 đội tham dự, thay vì 32 như hiện tại, cơ hội của chúng ta sẽ được nâng lên đáng kể.

Một đội bóng đã nằm trong số 8 đội mạnh nhất của Asian Cup 2019, đã thăng tiến mạnh mẽ trong năm qua dưới tay HLV Park Hang-seo, đã gây sự chú ý đáng kể đối với dư luận châu lục và thế giới, chẳng có lý do gì lại không đặt ra mục tiêu World Cup, một khi đang có sẵn cái đà hiện tại.

Áp lực khủng khiếp cho ông Park Hang-seo

Nhưng VFF đã chuẩn bị một kế hoạch nào đó cho chiến dịch World Cup 2022 chưa, tính sẵn trong trường hợp kế hoạch 48 đội sẽ được thông qua, hay vẫn đang chờ đợi xem kết quả các trận vòng loại World Cup trong năm nay thế nào?

Kế hoạch ấy nhiều khả năng sẽ thành sự thật, bởi FIFA muốn thế, và nhiều LĐBĐ quốc gia đã ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch này. Bóng đá Việt Nam khi đó sẽ phải có các phương án cho mục tiêu World Cup. Đó chắc chắn sẽ là mục tiêu lớn nhất trong lịch sử nền bóng đá.

HLV Park Hang-seo hiểu điều đó. Và VFF cũng hiểu.

Ông Park từng đề xuất được tập trung toàn lực dẫn dắt tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 và được VFF ủng hộ. Liên đoàn cũng đã chủ động thay đổi lịch thi đấu V.League, tăng cường thêm các trợ lý, đáp ứng mọi yêu cầu của HLV trưởng.

Ngoài vòng loại World Cup 2022, những mục tiêu trước mắt là gì? Không khó nhận ra con đường phía trước, theo trình tự thời gian: SEA Games 30 và vòng chung kết U23 Châu Á.

HLV Park Hang-seo tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo nên những kỳ tích mới, theo kiểu “đánh chiếm từng cái một”, ở tất cả các cấp độ đội tuyển.

SEA Games sắp tới chắc chắn là một cái đích, bởi bóng đá Việt Nam, kể từ khi tái hoà nhập với khu vực vào năm 1991, chưa bao giờ giành huy chương vàng ở đại hội thể thao mà lâu nay chúng ta hay dè bỉu là “ao làng” này. Đúng là thành công của bóng đá Việt Nam ở các cấp độ đội tuyển mới chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và không có cách nào tốt hơn là tiếp tục khẳng định mình trên những sân chơi như thế.

Và không có gì ngạc nhiên, khi trách nhiệm đặt lên vai ông Park ngày một lớn.

Dù thế nào đi chăng nữa, không có gì ngạc nhiên khi một lần nữa, ông HLV Hàn Quốc tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo nên những kỳ tích mới, theo kiểu “đánh chiếm từng cái một”, ở tất cả các cấp độ đội tuyển, sau hơn một năm gặt hái rất nhiều thành công vượt sự mong đợi.

Chúng ta trông chờ cả vào ông Park và năng lực của ông, tạo ra một cảm giác rằng ông chính là một người hùng, một vị cứu tinh của con tàu bóng đá Việt Nam trên cấp độ đội tuyển.

Nếu chính VFF và ông Park đã phải đau đầu trước lựa chọn vòng loại World Cup và SEA Games, hãy nghĩ xem người hâm mộ và các cầu thủ sẽ còn phân vân thế nào.

Quang Hải liệu có thể toàn tâm, toàn ý cho World Cup khi trước mặt là tấm HCV SEA Games còn thiếu? Đặng Văn Lâm liệu có “bị” gọi về dự SEA Games dù đẳng cấp của anh đã vượt xa bóng đá trẻ và cần được nghỉ ngơi cho World Cup? Liệu họ, những chàng trai của lứa 1997 thần thánh, có chịu được áp lực của hai giải đấu tầm cỡ đến liên tiếp nhau?

Thế nhưng, vào thời điểm này, chưa có một mục tiêu dài hạn nào được đặt ra, vì điều đó đương nhiên còn phụ thuộc vào việc ông Park có ký tiếp hợp đồng với VFF vào cuối năm nay hay không.

Chính điểm này đang là một trong những điều khiến người hâm mộ lo ngại rằng, chiến thắng trước Thái Lan chỉ đơn giản tạm làm thoả cơn khát vượt qua đối thủ truyền kiếp trong khu vực. Nó có thể khiến chúng ta có thể quên đi những vấn đề nội tại của các lứa đội tuyển trong vấn đề nhân sự (như ông Park đã phàn nàn sau trận thắng Indonesia rằng nhiều cầu thủ U23 rất ít được ra sân trong màu áo các CLB).

Ông Park đem đến chiến thắng, thì ông đương nhiên cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những chiến thắng mới. Đấy sẽ là một áp lực khủng khiếp về mặt thành tích, và rất có thể cũng sẽ tạo ra những hệ luỵ mà bây giờ chưa cân đong đo đếm được.

Và điều đó cũng có thể khiến chúng ta không thể hướng đến mục tiêu xa hơn là World Cup, một khi chưa hề có sự chuẩn bị nào.

Chúng ta đã quá quen với việc chứng kiến những HLV đến rồi đi, trong thất bại. Chúng ta cũng đã được nghe rất nhiều những lời hứa hẹn, hoặc các thắng lợi mở đầu đầy hy vọng, nhưng rồi sự kết thúc không như ý có thể ập đến rất nhanh, để lại trong lòng người hâm mộ sự chua chát và thất vọng.

Ông Park đem đến những điều hoàn toàn khác, những làn gió mới mẻ của niềm tin. Ông đem đến chiến thắng, thì ông đương nhiên cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những chiến thắng mới. Đấy sẽ là một áp lực khủng khiếp về mặt thành tích, và rất có thể cũng sẽ tạo ra những hệ luỵ mà bây giờ chúng ta chưa cân đong đo đếm được. Những trách nhiệm ấy cũng có thể tạo ra sự phân tán và tiêu hao năng lượng của ông.

Làm sao để năng lượng của ông Park không bị phân tán và tiêu hao cũng là một câu hỏi lớn với VFF.

Bật cao được không khi nền chưa vững?

V.League còn thua kém rất xa Thai League về nhiều mặt, từ trình độ tổ chức, tính cạnh tranh, chất lượng và tài trợ. Chúng ta đang hơn người Thái về thành tích ở lứa đội trẻ và đội tuyển quốc gia, nhưng đấy mới chỉ là một thời gian ngắn này và cần tiếp tục khẳng định.

Không hề vô lý khi Toyota rút tài trợ khỏi V.League nhưng tăng tài trợ cho Thai League và kéo dài thời gian hợp đồng ấy. Sự thua kém của V.League so với các giải quốc nội trong khu vực, những vấn đề nội tại như sân bãi, bạo lực, trọng tài chưa có nhiều tiến triển qua các năm.

Hiếm có một nền bóng đá nào trên thế giới mà giải vô địch quốc gia đôi khi có thể bị gián đoạn tới cả tháng hoặc hơn chỉ vì một giải đấu nào đó. Nhưng ở Việt Nam là thế.

Hiếm có một nền bóng đá nào trên thế giới mà giải vô địch quốc gia đôi khi có thể bị gián đoạn tới cả tháng hoặc hơn chỉ vì một giải đấu nào đó. Nhưng ở Việt Nam là thế, và điều đó có thể ảnh hưởng lâu dài đến không chỉ thói quen đến sân và theo dõi của người hâm mộ giải quốc nội, vốn luôn là cái nôi của bất cứ đội tuyển quốc gia nào, mà còn tác động đến cả cấu trúc và chất lượng của sân chơi ấy.

Một hệ lụy là việc cả một nền bóng đá được điều chỉnh sao cho phục vụ tối đa nhiệm vụ của các đội tuyển quốc gia, và do đó, có thể ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của V.League, tước đi của nó tính liên tục và khả năng cạnh tranh, những điều có ý nghĩa quan trọng đối với các cầu thủ. Điều đó đương nhiên làm giảm khả năng trui rèn cho họ, nhất là những cầu thủ ở dạng tiềm năng khoác áo các lứa đội tuyển.

Nhìn xa hơn, ở cái nền chung của nền bóng đá, không phải tất cả đều màu hồng. Và con đường phía trước của ông Park không phải là không chông gai. Chính ông hiểu điều ấy hơn ai hết.

Ông đang trở thành một con người của vận hạn và chịu áp lực của thành tích. Và chắc chắn ông hiểu, hết giải đấu này đến giải đấu khác sẽ vắt kiệt sức của những cầu thủ ông đang sử dụng, trong khi các giải pháp bổ sung cho lực lượng ấy không thể được sản sinh một sớm một chiều.

Các lứa cầu thủ đội tuyển Việt Nam thiếu đồng đều, thiếu những nhân tố vượt trội có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu.

Trận thắng khó khăn trước Indonesia ở vòng loại U23 châu Á 2020 thể hiện rõ nhất các vấn đề nhân sự mà chính ông Park đã thừa nhận, là bức tranh rõ nét phản ánh tình hình con người của lứa cầu thủ sau thành công của năm 2018. Nó thiếu đồng đều hơn, thiếu những nhân tố vượt trội có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu, và ngay sau trận, vị HLV người Hàn Quốc đã khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân chính là việc nhiều cầu thủ U23 ấy ít được cọ xát, ra sân trong các trận đấu ở cấp CLB.

Những lời nói của ông không biết liệu có được ai lắng nghe, ít nhất là ở V.League. Nhưng dù được nghe hay không, nó rất có thể sẽ bị lãng quên ngay do chiến thắng đậm nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam trước một đội tuyển của Thái Lan.

Sau khi cơn lâng lâng vì chiến thắng qua đi, chúng ta sẽ trở lại với thực tại. Sẽ không thường xuyên có những chiến thắng như trước Thái Lan, và các kỳ tích cũng sẽ khó đến liên tục một khi cái nền chung không được đắp cao lên.

Và cái nền ấy dường như đang chịu một sự bất công, khi vì quyền lợi của các lứa đội tuyển và mục tiêu thành tích trước mắt, vẫn chưa đủ vững chắc để hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Trương Anh Ngọc

Illustration: Như Ý

Bạn có thể quan tâm