Đứng đó, HLV Marcello Lippi hít một hơi thật sâu rồi chăm chăm nhìn cánh phóng viên đang vây quanh. Ông thầy người Italy thở dài: "Điều quan trọng nhất là đầu tư đào tạo trẻ. Chúng tôi đã có tiến bộ, nhưng vẫn cần hạ tầng đáng tin cậy để tìm kiếm tài năng nhanh hơn, từ đó vươn tới đỉnh cao".
Giải Asian Cup 2019 là sân chơi rất quan trọng với tuyển Trung Quốc. Bốn năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố muốn nước nhà trở thành cường quốc bóng đá vào năm 2050. Với đội tuyển từng dự World Cup 2002, những gì họ thể hiện sẽ đặt nền móng cho tham vọng "hóa rồng" trong tương lai.
Tiếc thay, những bước đi tiếp theo để phát triển bóng đá Trung Quốc vẫn rất mơ hồ. Thầy trò HLV Lippi vừa đánh bại Thái Lan hôm 20/1 để lọt vào tứ kết Asian Cup, nơi họ chạm trán Iran. Thành tích ấy rất đáng ghi nhận, có điều chưa đủ giúp người hâm mộ có niềm tin vào đội nhà.
Tương lai bóng đá Trung Quốc sẽ thế nào khi ông Lippi nghỉ hưu? |
Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên nỗ lực cạnh tranh với thế lực bóng đá châu Âu. Nước Mỹ vào thập niên 70 từng có tham vọng đó. Họ thuê hai huyền thoại Pele và Franz Beckenbauer tới đây thúc đẩy bóng đá. Năm 1992, người Nhật khai sinh giải J.League, sau này trở thành một trong những sân chơi uy tín thế giới.
Người Trung Quốc cũng làm tương tự. Họ đốt cháy giai đoạn bằng sức mạnh đồng tiền. Những đồng USD liên tục được các đội bóng Trung Quốc chi ra. Cách nhiều CLB ở giải Chinese Super League mua sắm khiến châu Âu có lúc phải lo sợ. Sau cùng, cuộc đầu tư đó chưa mang đến sự vững bền.
Felix Lix, một chuyên gia bóng đá, thốt lên: "Mức phí chuyển nhượng được những CLB Trung Quốc ném vào chuyển nhượng đã biến các đội bóng thành công nhất của châu Âu hóa ra những kẻ nghèo khó". Một lần nọ, Cristiano Ronaldo còn được đội bóng Trung Quốc hỏi mua với giá 100 triệu euro.
Chiến lược đó phản tác dụng. Những ngoại bình kìm hãm sự phát triển nội binh. Thế là, người Trung Quốc thay đổi chiến lược phát triển. Những đội bóng chỉ được phép đăng ký 4 ngoại binh, và chỉ 3 người ra sân cùng lúc. Ngoài ra, luôn phải có một cầu thủ trong độ tuổi U23 xuất hiện trên sân.
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc muốn nước nhà trở thành cường quốc bóng đá. |
Chiến lược đó định hướng cho người hâm mộ, muốn họ yêu mến cầu thủ nội hơn, cháy hết mình vì các cầu thủ. Xa hơn, thay đổi ấy ở giải Chinese Super League có thể cải thiện đáng kể sức mạnh của đội tuyển quốc gia trong tương lai.
Ý tưởng trên không tồi. Có điều, hạ tầng bóng đá Trung Quốc đầy sự rối ren. Cây bút John Duerden, từng viết cho báo The Guardian, nói: "Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) phải đối mặt với thách thức liên quan tới chính trị và kinh tế từ nhiều phía". Vấn đề này không hề lạ.
Hậu thuẫn cho nhiều CLB Trung Quốc là các tập đoàn bất động sản. Theo Duerden, không rõ giới chủ này có thực sự quan tâm đến bóng đá, hay chỉ đơn giản dùng đội bóng để mở rộng mạng lưới phục vụ lợi ích riêng. Hơn nữa, cầu thủ không phải nghề được đa số phụ huynh Trung Quốc mặn mà.
Các gia đình có điều kiện muốn con họ được rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt. Mặc cho chính phủ Trung Quốc xây dựng rất nhiều trung tâm huấn luyện bóng đá thời gian qua, hợp tác với nhiều quốc gia mạnh như Đức, Tây Ban Nha..., suy nghĩ của người dân vẫn chưa thay đổi.
Nghề cầu thủ không được các bậc cha mẹ Trung Quốc mặn mà. |
Bóng đá không phải môn thể thao cá nhân. Chiến thắng mang hơi thở tập thể. Tiếc thay, cầu thủ Trung Quốc chưa lĩnh hội được. Tinh thần đồng đội trong thể thao là điều các vận động viên ở đây còn thiếu.
Hãy nhìn các kỳ Olympics, đoàn thể thao Trung Quốc chỉ mạnh ở những môn thi đấu cá nhân. "Tuyển Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp đối thủ ở những môn thể thao đồng đội", Tariq Panja của báo The New York Times nói.
Như ông Lippi chia sẻ, bóng đá Trung Quốc vẫn còn chặng đường rất dài phía trước để chinh phục. Mà sau Asian Cup 2019, vị thuyền trưởng đại tài lại nghỉ hưu. Đội tuyển quốc gia mất đi ngọn đèn soi sáng. Tương lai bóng đá nước này rồi sẽ đi về đâu? Có khi họ vẫn như gã khổng lồ ngủ quên.