Bình luận
Hơn nửa thập niên trôi qua kể từ khi dự án đưa bóng đá Trung Quốc trở thành thứ quyền lực mềm mới được khởi động. Ngay từ khi bắt đầu, tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khiến nhiều người hoài nghi, khi mô hình phát triển nói trên dựa nhiều vào ý chí cá nhân và tiềm lực kinh tế của các tập đoàn.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande Group, một trong những trụ cột lớn nhất cho kế hoạch phát triển bóng đá Trung Quốc, cho thấy những hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở. Nó có thể dẫn đến sự biến mất của Guangzhou FC, đội bóng hùng mạnh nhất Trung Quốc trong một thập niên qua.
Mặt trái của 'El Dorado'
Tháng 12/2015, Carlos Dunga, HLV trưởng tuyển Brazil khi đó từng mô tả Trung Quốc đang tạo ra một "El Dorado mới" cho bóng đá thế giới. Dunga thốt lên như thế sau khi chứng kiến các học trò của ông trên ĐTQG như Paulinho hay Diego Tardelli nhảy sang Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.
"El Dorado" là từ để chỉ một tục lệ của các bộ tộc người da đỏ. Khi một thủ lĩnh của các bộ tộc này mới lên ngôi, họ đem cát vàng rắc lên người nhân vật quyền lực ấy.
Các tập đoàn Trung Quốc muốn làm hài lòng chính phủ. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thường cho rằng bóng đá phải tách rời chính trị, nhưng điều này rõ ràng không thể, đặc biệt ở các nền bóng đá đang phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, chơi bóng đá trong chuyến công du Anh vào năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Mỗi cuộc chi tiêu của các nền bóng đá mới nổi thường đi kèm những mục đích chính trị. Chúng ta từng chứng kiến điều đó ở Nga hay nhiều quốc gia Trung Đông. Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình thích bóng đá. Tháng 10/2015, ông kết thúc chuyến công du tới Anh bằng việc đến thăm đại bản doanh của Man City và chụp ảnh cùng tiền đạo Sergio Aguero.
Truyền thông Trung Quốc nói tình yêu bóng đá của Chủ tịch Tập Cận Bình có từ thời trung học và ảnh hưởng từ người cha quá cố Tập Trọng Huân, một người cũng đam mê môn thể thao vua.
Nhưng bên cạnh ý thích cá nhân, Chủ tịch Tập Cận Bình còn có tham vọng đưa bóng đá Trung Quốc xứng tầm với sự phát triển kinh tế và vị thế quốc gia. Năm 2015 là lần đầu tiên Bộ Thể thao Trung Quốc công bố đề án phát triển bóng đá nước nhà, có tầm nhìn đến năm 2030.
Trong vòng 10 năm, Trung Quốc muốn tạo ra một nền bóng đá đủ mạnh để cạnh tranh với các quốc gia lớn trên thế giới. Đến năm 2030, Trung Quốc muốn đăng cai World Cup.
Trung Quốc dự kiến có 20.000 trường dạy bóng đá, cung cấp hơn 200.000 cầu thủ vào năm 2025. "Với tiền của các tập đoàn, Trung Quốc hoàn toàn có thể mơ về chức vô địch World Cup", HLV Sven-Goran Eriksson từng nói.
HLV Eriksson từng có 4 năm làm việc tại giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League - CSL), nên những phát biểu của ông không phải thiếu cơ sở. Tuy nhiên, với viễn cảnh bóng đá Trung Quốc sắp chứng kiến CLB lớn thứ hai bị xóa sổ trong 2 năm liên tiếp, HLV người Thụy Điển có lẽ phải thừa nhận mình đã sai.
Đầu năm nay, Jiangsu Suning bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Trung Quốc sau chức vô địch CSL 2020. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Suning Commerce Group, chủ sở hữu Jiangsu Suning, khiến mọi hoạt động đầu tư vào bóng đá của tập đoàn bán lẻ này phải dừng lại.
Guangzhou FC đang trên đường đi vào vết xe đổ đó, bất chấp việc Evergrande Group, chủ sở hữu CLB này từng chi rất nhiều tiền cho giấc mơ bóng đá của chính phủ Trung Quốc.
Nói như lời HLV Eriksson, thì Evergrande Group là một trong những tập đoàn đóng vai trò xương sống cho đề án phát triển bóng đá Trung Quốc. Họ chi nhiều tiền nhất, có kế hoạch bài bản nhất, và cũng mang lại thành công nhiều nhất một thập niên qua.
Đầu tư vào bóng đá, môn thể thao không được xem là "vua" tại Trung Quốc không khác gì cuộc "đốt tiền". Năm 2019, Guangzhou FC lỗ khoảng 298 triệu USD (thống kê từ China Daily).
Guangzhou FC gần như không tạo ra lợi nhuận cho Evergrande Group kể từ khi tập đoàn này tiếp quản CLB. Evergrande Football Academy (EFA), một trong những học viện bóng đá có quy mô lớn nhất thế giới, ngốn của Evergrande Group gần một tỷ USD chi phí cho đến quý II/2021 (thống kê từ KPMG).
Evergrande Group cũng thể hiện sự hào phóng của họ với đội tuyển Trung Quốc, khi sẵn sàng chi tiền để 4 cầu thủ nhập tịch chơi cho ĐTQG nước nhà. Trung vệ Jiang Guangtai (Tyias Browning), Fei Nanduo (Fernandinho), Ai Kesen (Elkeson) và Gao Late (Ricardo Goulart) từng nhận những khoản lót tay và mức lương hậu hĩnh để khoác áo Guangzhou FC với tư cách nội binh, sau đó chơi cho ĐTQG Trung Quốc.
Evergrande Group cũng chi hơn 1,7 tỷ USD để xây sân nhà mới cho Guangzhou FC Sân vận động mới với sức chứa 105.000 chỗ ngồi cùng thiết kế hoa sen độc đáo, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đây được xem là một trong những SVĐ có thể giúp Trung Quốc giành quyền đăng cai World Cup 2030 hoặc 2034.
Tuy nhiên, khi Evergrande Group chìm sâu với khoản nợ 300 tỷ USD, bóng đá là lĩnh vực họ phải cắt giảm, thậm chí loại bỏ đầu tiên trong các danh mục đầu tư. Những kế hoạch đắt đỏ phải ngừng lại ngay lập tức, giống như Suning.
Guangzhou FC là đội bóng thành công nhất Trung Quốc một thập niên qua. |
Thách thức không nhỏ
HLV Fabio Cannavaro chia tay Guangzhou FC sau 5 năm. "Tôi chấp nhận từ bỏ khoảng 24 triệu euro tiền lương trong 15 tháng còn lại của hợp đồng", cựu danh thủ người Italy nói.
Tuy nhiên, nếu nhà cầm quân này ở lại, chưa chắc đại gia một thời của bóng đá Trung Quốc đủ khả năng trả lương. Cannavaro có thể coi là "công thần" trong sự phát triển của bóng đá Trung Quốc, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra tham vọng.
Cựu trung vệ Real Madrid đến Trung Quốc làm việc từ năm 2014, dẫn dắt Guangzhou FC vô địch CSL, sau đó kiêm luôn vai trò huấn luyện ĐTQG nước này.
Cuộc tháo chạy khỏi bóng đá Trung Quốc của các HLV và cầu thủ nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Phần đông đến Trung Quốc để có mức thu nhập tốt hơn, thay vì xem đó là cơ hội nâng tầm bản thân.
Evergrande Group dự kiến thanh lý nốt hợp đồng với các ngoại binh còn lại, bên cạnh các cầu thủ nhập tịch. EFA bắt đầu cắt giảm ngân sách, dẫn đến sự ra đi của hàng loạt HLV đào tạo trẻ. Salva Suay, HLV người Tây Ban Nha từng có 3 năm làm việc tại học viện này, nói ông rất đau lòng nhưng phải rời đi.
Hồi tháng 6, hàng trăm công nhân vẫn có mặt để tiếp tục xây sân vận động hoa sen của Guangzhou FC. Đến đầu tháng 10, Reuters cho biết còn rất ít công nhân xây dựng tiếp tục công việc.
Evergrande Group cũng ngưng mọi dự án đầu tư vào thể thao khác, từ tài trợ cho CLB bóng chuyền Guangdong đến đội bóng bàn địa phương. Tuần trước, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc sửng sốt khi thấy các học viên của EFA ném bàn ghế vào bãi rác, bên cạnh các lớp học bị bỏ trống.
Hồi tháng 2, Chen Xuyuan, Chủ tịch CFA thừa nhận bóng đá nước này đang phải trả giá vì phát triển nóng.
"CSL ngốn tài chính gấp 10 lần K.League (giải VĐQG Hàn Quốc) và gấp 3 lần J.League (giải VĐQG Nhật Bản)", ông Xuyuan nói trên Xinhua. "Nhưng ĐTQG Trung Quốc thì kém xa hai nước kể trên. Cú vỡ bong bóng này sẽ còn làm tổn thương bóng đá Trung Quốc trong tương lai".
Hai năm trở lại đây, ông Xuyuan cùng các cộng sự nỗ lực làm giảm tác động của ảnh hưởng kinh tế lên nền bóng đá nước nhà. Nhiều tập đoàn phá sản kéo theo sự biến mất của các CLB, những người chưa thể "lấy bóng đá nuôi bóng đá".
CFA áp mức trần quỹ lương, đánh thuế đắt đỏ với những bản hợp đồng ngoại binh có giá cao. Tuy nhiên, nỗ lực của họ không thấm vào đâu.
Sau khi Suning và Evergrande rút khỏi bóng đá, Trung Quốc chỉ còn vài tập đoàn lớn vẫn đầu tư mạnh vào môn thể thao này như Shandong Luneng (chủ CLB Shandong Taishan), tập đoàn địa ốc Greenland Group (chủ Shanghai Shenhua) và tập đoàn kinh doanh hàng hải Shanghai International Port Group (chủ CLB Shanghai Port).
Cuộc khủng hoảng của Suning và Evergrande có thể là hồi chuông cảnh báo cho các tập đoàn còn lại. Bóng đá Trung Quốc đang chơi vơi, và họ có lẽ cần tìm một lối đi khác cho tham vọng nâng tầm của mình.