Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá thuở sơ khai

Theo “Lịch sử bóng đá bằng tranh” của David Squires, từ thuở bình minh của nhân loại, con người đã biết chơi bóng đá theo nhiều thể thức.

Lịch sử bóng đá bằng tranh của David Squires đã chỉ ra rằng sự ra đời của bóng đá mang lại trạng thái utopia viên mãn cho cả thế giới tận hưởng và rằng trước khi xuất hiện bóng đá có tổ chức, con người ta phó mặc theo dòng đời trôi, sống không mục đích.

Kể từ ngày luật bóng đá được soạn thảo trong một quán rượu ở London năm 1863 đến nay đã hơn 150 năm, ta thấy rằng tin tức trên báo chí dù có đề cập đến vấn đề gì đi nữa, vẫn luôn dành chỗ cho kết quả bóng đá. Tác giả David Squires cho rằng “chỉ cần nghe thấy tên những đội bóng thân thuộc cùng các dòng tỉ số là endorphin xoa dịu thần kinh đã được giải phóng trong não bộ của toàn thể fan bóng đá".

Ghi chép về các trận bóng từ thuở máy ảnh chưa ra đời đã xuất hiện trong các tài liệu xưa cũ, thường đi kèm tranh khắc tỉ mỉ miêu tả diễn biến. Bóng đá và tranh vẽ đã có mối liên hệ lâu đời.

kien thuc bong da anh 1

Tác phẩm được in kèm những mẩu truyện tranh ngộ nghĩnh, hài hước. Ảnh: Nhã Nam.

Lịch sử bóng đá bằng tranh kể câu chuyện về bóng đá thông qua khoảng 90 mẩu truyện tranh, bắt đầu từ những cú đá vu vơ đầu tiên của người nguyên thủy.

Đó là cái thuở bình minh của nhân loại. Con người cũng biết chơi bóng đá theo nhiều thể thức như chạy đuổi theo một đùm rẻ rách hay tung cú rabona vào bàng quang động vật.

Biên bản trận đấu sơ khai xuất hiện trên các hình vẽ trong hang động, con người tối cổ sử dụng màu thô để nguệch ngoạc phác lại những số liệu đường chuyền.

“Chúng ta biết rõ là dẫu ‘trái bóng’ có đơn sơ đến độ nào, nó gần như chắc chắn không có tài khoản truyền thông xã hội riêng của mình. Có lẽ đây là nguyên do trò chơi này lại phải mất biết bao nhiêu thời gian mới có thể biến đổi thành cỗ máy kiếm tiền người người yêu mến và được kiểm soát tài tình như ta thấy ngày nay”, tác giả David Squires viết.

Bóng đá xuất hiện trong văn hóa cổ, được tìm thấy trong nhiều di tích thuộc những nền văn hóa sơ khai như Nhật Bản thời trung đại và Trung Quốc thời cổ đại. Theo David Squires, một sân bóng tại Anh vào thập niên 1980 không khác mấy một sân chơi kemari tại Nhật Bản thời trung đại.

Bên cạnh đó, “thổ dân Australia và Bắc Mỹ cũng từng chơi trò chơi hoạt động đá một vật thể tương tự trái bóng, còn thổ dân Trung Mỹ thì dùng một quả bóng nẩy nặng được làm từ cây cao su địa phương. Giới học giả thời đó hẳn đã lưu tâm tới chuyện quả bóng cải tiến bay quá nhiều trong không trung”.

Được biết, vào thế kỷ XVI, các chinh tướng Tây Ban Nha khi tới vùng đất này đã mê mẩn trò chơi bóng độc đáo nọ, liền gửi cả bóng lẫn cầu thủ kèm trang thiết bị thi đấu về tận quê nhà, cho trình diễn trước mặt vua Karl V cùng giới quý tộc.

kien thuc bong da anh 2

Bóng đá xuất hiện trong văn hóa cổ. Ảnh: Nhã Nam.

Lịch sử bóng đá bằng tranh đem lại một cái nhìn trực quan về sự ra đời và hình thành của môn thể thao phổ biến nhất hành tinh. Độc giả được dẫn dắt từ thuở ban sơ khi mà người cổ đại dùng xương đùi làm cột gôn cho đến thời hiện đại khi bóng đá được cải tiến, được hoàn thiện luật chơi và có khả năng làm cả một dân tộc si mê.

Tác giả David Squires là một họa sĩ chuyên vẽ biếm họa, sống và làm việc chủ yếu tại Sydney. Ông sáng tác tập trung về đề đề tài bóng đá thông qua các mẩu truyện tranh thể hiện góc nhìn bình phẩm, châm biếm. Các mẩu truyện của ông được đăng trên tuần báo. Và sau hàng năm trời, đến 2018, ông hoàn thành bộ Lịch sử bóng đá bằng tranh.

Bộ sách được viết và vẽ theo phong cách đặc trưng của David Squires: sâu cay và chua chát. Không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích về bộ môn thể thao vua, hai tập Lịch sử bóng đá bằng tranh còn đem lại trải nghiệm đọc hấp dẫn, thư giãn cho người yêu bóng đá.

‘Giải mật ngoại hạng Anh’ và câu chuyện phát triển bóng đá Việt Nam

Từ việc phân tích bức tranh của giải Ngoại hạng Anh, các diễn giả bước đầu bàn luận đến việc kinh doanh của bóng đá nước nhà.

Văn Hậu muốn truyền tình yêu bóng đá qua truyện tranh

Cầu thủ Văn Hậu hy vọng bộ truyện tranh "Sơn, Goal!" sẽ truyền tình yêu bóng đá tới thế hệ trẻ, đồng thời quảng bá hình ảnh thể thao Việt Nam.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm