Bóng đá nội phát triển nóng, VFF có sạch 'tội'?
Các ông bầu là tác nhân gây ra tình trạng bong bóng giá trị của làng bóng đá nội. Vậy vấn đề đặt ra là liệu VFF có hoàn toàn vô tội như cách lý giải của PCT Lê Hùng Dũng? Câu trả lời chắc chắn là không!
>>Bóng đá Việt thời lạm phát: Lỗi của các ông bầu
Trước vấn đề lạm phát giá trị cầu thủ, ông Lê Hùng Dũng đã phát biểu trước cuộc họp với các ông bầu: “Vấn đề nổi cộm hiện nay là giá trị của cầu thủ đã vượt xa mặt bằng xã hội và vượt xa giá trị sử dụng của các câu lạc bộ. Trách nhiệm này là do ai? Các anh hãy tự trả lời. Không thể là VFF, VFF chỉ cố gắng tạo ra sân chơi bình đẳng. Tôi không cấm định giá cầu thủ. Đó là quyền của các ông chủ câu lạc bộ. VFF cũng có trách nhiệm nhưng quyền và tiền của các ông chủ câu lạc bộ, chúng tôi không thể quản lý. Câu hỏi tôi đặt ra là trách nhiệm do ai? Tôi không thể có quy định chế tài vì đó là thỏa thuận giữa hai đối tác với nhau. Chúng tôi không thể can thiệp”.
Chiếu theo những lời vàng, ý ngọc của ông PCT thì dường như VFF đã quên mất chức năng, nhiệm vụ của mình. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp được lập ra để điều hành, quản lý nền bóng đá nước nhà. Với trọng trách đó dĩ nhiên khi thấy nền bóng đá phát triển chệch quỹ đạo hay ở cấp độ thấp hơn là có vấn đề thì VFF phải có nhiệm vụ can thiệp, định hướng lại bằng những công cụ trong tay mình, chứ không thể phủi tay “Trách nhiệm không phải của VFF”. Ở khía cạnh nào đó, nó tương tự như câu chuyện những bậc sinh thành biết con mình đang có những biểu hiện lệch lạc, đang phạm lỗi nhưng cứ mặc kệ không uốn nắn, giáo dục. Bởi đấy là chuyện của nó (của đứa con), nó làm thì nó chịu. Rõ ràng đấy là cách nói “cùn”; thực sự vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được.
Đại diện Ban chấp hành VFF tại hội nghị BCH LĐBĐ VN |
Càng đau xót và đáng buồn hơn khi quan chức VFF khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Chúng tôi không thể can thiệp”. Nếu bất lực không thể can thiệp; mà nói rộng ra là không thể giúp nền bóng đá phát triển một cách đúng hướng thì còn cần VFF để làm gì, hay chính xác hơn là còn cần những con người đang điều hành VFF để làm gì?
Sự thực là khác hẳn nhận định “Chúng tôi không thể can thiệp”, “vì đó là thỏa thuận giữa 2 đối tác với nhau” của ông Phó Chủ tịch, VFF có thừa khả năng và công cụ để giải quyết. Này nhé VFF là cơ quan đặt ra Quy định của giải đấu (còn gọi là điều lệ giải). Và các CLB buộc phải chấp hành điều lệ giải nếu muốn được tham dự cuộc chơi. Điều đó có nghĩa là VFF hoàn toàn có quyền và có thể sử dụng điều lệ giải để điều chỉnh các đội bóng. Có lẽ chẳng qua do tổ chức này có nhiều vấn đề cần quan tâm, cần giải quyết hơn nên không để ý đến mà thôi.
Thực tế, trên thế giới đã có không ít cơ quan điều hành bóng đá sử dụng công cụ hành chính để can thiệp, giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn về lạm phát giá trị. Có thể lấy ra đây ví dụ về Quy định quỹ lương hay Luật công bằng tài chính.
Quy định về quỹ lương (Salary cap) được đặc biệt ưa chuộng tại khu vực Bắc Mỹ. Tất cả các giải đấu danh giá của Mỹ như giải bóng rổ nhà nghề (NBA), giải bóng chày (MLB), giải hockey (NHL),… đều sử dụng quy định này. Cần nhớ rằng đây đều là các giải đấu được định giá là có giá trị lớn nhất thế giới (thậm chí cao hơn cả giải Ngoại hạng Anh). Nếu tính riêng bóng đá thì cũng có một số giải VĐQG sử dụng quy định quỹ lương như giải VĐQG Australia, giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS).
Theo đó BTC giải khoán cho tất các đội bóng tham dự một quỹ lương nhất định, và các đội bóng không được vượt quá cái trần đó, nếu không sẽ bị phạt nặng thậm chí là loại khỏi giải. Cụ thể như tại giải VĐQG Australia, LĐBĐ nước này quy định một CLB tham dự phải đăng ký từ 20-23 cầu thủ, và quỹ lương cho mỗi CLB là 2,35 triệu dollar Australia/mùa.
VFF cần có những thay đổi |
Bên cạnh đó, để thu hút các ngôi sao nước ngoài cũng như các ngôi sao Australia trở về nước thi đấu, ngoài quỹ lương như đã nói ở trên, BTC còn cho phép mỗi đội bóng được đăng kí 1 cầu thủ ngôi sao quốc tế (International Marquee player), 1 ngôi sao bản địa (Australian Marquee player) và 1 tài năng trẻ dưới 23 tuổi (Junior Marquee player). Và lương của 2 cầu thủ ngôi sao sẽ không bị giới hạn và không tính vào quỹ lương của đội bóng, còn cầu thủ tài năng trẻ sẽ được nhận lương tối đa 150 nghìn dollar Australia/mùa (cũng không tính vào quỹ lương của CLB).
Việc áp dụng quỹ lương như vậy, về cơ bản đảm bảo sự công bằng của giải đấu. Khiến các CLB phải làm bóng đá từ gốc, chứ không thể cậy lắm của nhiều tiền mà mua thành công một cách vô tội vạ, qua đó giúp khắc phục tình trạng giá trị ảo, thổi giá.
Theo các nhà chuyên môn sở dĩ UEFA khi muốn thiết chặt các quy định về tài chính đã không áp dụng Quỹ lương là do mỗi quốc gia ở Châu Âu có quy định đánh thuế thu nhập rất khác nhau nên nếu áp trần quỹ lương sẽ dẫn đến sự không công bằng giữa các nước đánh thuế thu nhập cao và những nước đánh thuế thu nhập thấp (cá biệt như công quốc Monaco còn không tính thuế thu nhập). Thay vào đó tổ chức này đã ban hành Luật công bằng tài chính: “Những CLB bóng đá nào thua lỗ tới 45 triệu euro trong 3 mùa giải thì sẽ không được quyền dự Cúp châu Âu ở 3 mùa sau đó. Nặng hơn, CLB ấy có thể không được phép tham gia vào thị trường chuyển nhượng”.
Trong bối cảnh hiện nay thì quy định về Quỹ lương có vẻ là phù hợp với thực trạng bóng đá Việt Nam hơn là Luật công bằng tài chính. Dựa trên cơ sở này VFF hoàn toàn có thể phát triển lên ngoài Quỹ lương còn có Qũy chuyển nhượng, Quỹ lót tay,… để giải quyết quả bong bóng giá trị.
Hiển nhiên người Úc, người Mỹ không thể ít tiền hơn Việt Nam. Nhưng xem ra các nhà làm bóng đá các nước này còn biết cách quý trọng và sử dụng đồng tiền hiệu quả, hay chí ít cũng là có tinh thần trách nhiệm hơn những người đồng cấp ở VFF rất nhiều!
Tuệ Minh
Theo Bưu điện Việt Nam