Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóng đá Nhật Bản kiếm tiền triệt để từ hình ảnh Chanathip

Ngay cả khi trở thành hiện tượng tại xứ sở mặt trời mọc, “Messi Thái Lan” vẫn phải thỏa hiệp với quy định về bản quyền hình ảnh có phần khắt khe của bóng đá Nhật Bản.

Thương vụ chiêu mộ Chanathip Songkrasin đem đến cho CLB Consadole những hiệu ứng tích cực về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh. Chanathip trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho đội bóng của tỉnh Hokkaido, thậm chí là của cả J.League.

Điều này cũng xuất phát từ quy định bản quyền hình ảnh khắt khe, đứng nhiều về phía CLB cũng như các tổ chức mà LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đã quy định trong nhiều năm qua.

Chanathip Songkrasin anh 1

Chanathip cùng 2 cầu thủ Thái Lan khác trong một lần quảng bá cho J.League. Ảnh: Japan Times.

Cách quản lý của bóng đá Nhật Bản

Vấn đề bản quyền hình ảnh cầu thủ tại Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt so với châu Âu hay châu Mỹ. Luật sư thể thao Takuya Yamazaki cho biết ở Nhật Bản, hình ảnh của các cầu thủ thường được quản lý bởi CLB chủ quản, liên đoàn hoặc tổ chức thể thao.

Đây là điều khác nhiều so với phương Tây, nơi bản quyền hình ảnh của cầu thủ thuộc quản lý của cá nhân cầu thủ đó, dưới sự hỗ trợ của người đại diện hoặc công ty riêng.

Trong quá khứ, khi lợi nhuận từ bản quyền hình ảnh của cầu thủ tại Nhật Bản chưa lớn, vấn đề này không được xem xét cụ thể. Điều đó dẫn đến xu thế phổ biến ở J.League, đó là các cầu thủ thường uỷ quyền cho CLB và các tổ chức thể thao quản lý hình ảnh cho mình.

Luật sư Yamazaki khẳng định bộ khung pháp lý của vấn đề bản quyền hình ảnh cầu thủ tại Nhật Bản vẫn cần được hoàn thiện qua thời gian, để có thể bắt kịp với xu thế của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới.

Về phần mình, nhiều quy định của JFA đã tạo điều kiện cho các CLB Nhật Bản khai thác triệt để bản quyền hình ảnh của cầu thủ.

Điều 8 và điều 97 trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của JFA vào năm 2014 quy định các CLB được toàn quyền kiểm soát hình ảnh của cầu thủ. Điều 8 quy định cụ thể "các cầu thủ phải đạt được thoả thuận sử dụng bản quyền hình ảnh với đội bóng chủ quản để tránh xung đột lợi ích".

Đội ngũ tư vấn của TMI Associates, một công ty luật có trụ sở tại Tokyo, cho biết dù Luật pháp Nhật Bản quy định bản quyền hình ảnh của một cá nhân phải do chính người đó nắm giữ. Tuy nhiên, ở J.League, đa số các CLB đều nắm toàn quyền sử dụng hình ảnh của cầu thủ.

Ngay cả ban tổ chức J.League cũng có thể sử dụng hình ảnh thương mại của cầu thủ trong một số trường hợp mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.

Với các cầu thủ thi đấu cho ĐTQG Nhật Bản, họ phải có được sự cho phép của JFA khi sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo thương mại.

Quy định này cho phép JFA khai thác tối đa hình ảnh của các thành viên thuộc ĐTQG, mà không cần sự cho phép của bất cứ bên liên quan hay bên thứ 3 nào. Điều này khác với nhiều quốc gia trên thế giới.

Chanathip Songkrasin anh 2

"Messi Thái Lan" vẫn là cái tên được nhiều thương hiệu ở Thái Lan lựa chọn. Ảnh: Getty.

Trường hợp Salah

Tháng 4/2018, Liên đoàn bóng đá Ai Cập (EFA) dính vào vụ rắc rối khi sử dụng hình ảnh của tiền đạo Mohamed Salah mà không có sự cho phép của cầu thủ.

Đại diện pháp lý của Salah đưa ra tuyên bố đề nghị EFA tôn trọng bản quyền hình ảnh của cầu thủ. Luật sư Jack Cohen phân tích thông thường, khi một cầu thủ được triệu tập lên ĐTQG, anh ta sẽ có thoả thuận với LĐBĐ của quốc gia đó.

Bên cạnh các quy định thông thường của FIFA, các hợp đồng giữa tuyển thủ quốc gia và LĐBĐ nước đó sẽ quy định cụ thể vấn đề sử dụng bản quyền hình ảnh của cầu thủ.

Quy định ở mỗi LĐBĐ luôn có sự khác nhau. Trong trường hợp của Salah, chân sút đang chơi cho Liverpool đã ký hợp đồng quản lý hình ảnh trên toàn thế giới với một công ty riêng.

Luật sư Cohen nhận định rất có khả năng trong hợp đồng của Salah đã ký với công ty nọ, có điều khoản chặt chẽ trong việc sử dụng của Salah, hoặc hình ảnh Salah trong màu áo Liverpool trên toàn thế giới.

Theo nhận định, EFA nhiều khả năng không chặt chẽ trong việc ký hợp đồng sử dụng bản quyền hình ảnh với Salah, dẫn tới việc họ bị kiện ngược lại khi có tranh chấp.

Vì không có hợp đồng và điều khoản cụ thể, EFA sau đó chỉ có thể ra khuyến cáo Salah nên ưu tiên cho các nhà tài trợ trực tiếp của LĐBĐ nước này.

Trường hợp xung đột của LĐBĐ Ai Cập và Salah cho thấy JFA có lý do để đưa ra các quy định nhằm "bảo vệ" cho liên đoàn cũng như các CLB trong vấn đề sử dụng bản quyền hình ảnh của cầu thủ.

Chanathip Songkrasin anh 3

Đội ngũ pháp lý của Salah từng kiện ngược LĐBĐ Ai Cập vì sử dụng hình ảnh cầu thủ trái phép. Ảnh: Getty.

Tranh cãi

Trong bối cảnh bóng đá ngày càng trở thành ngành công nghiệp hái ra tiền, vấn đề sở hữu hình ảnh của cá nhân cầu thủ tiếp tục được đem ra mổ xẻ. Bóng đá Nhật Bản cũng không là ngoại lệ.

Yamazaki nhận định trong thời gian gần đây, nhiều cầu thủ tin rằng đến lúc họ cần trực tiếp quản lý bản quyền hình ảnh của mình, điều này dẫn đến sự ra đời của nhiều công ty đại diện và bảo vệ hình ảnh cho cầu thủ tại Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Hiệp hội cầu thủ Nhật Bản (JPFA) từng đề nghị JFA phải tôn trọng quyền hình ảnh của cầu thủ, dựa theo quy định được FIFA gửi tới các liên đoàn thành viên vào ngày 24/11/2008.

Văn bản của FIFA quy định cầu thủ và CLB chủ quản phải đạt được thoả thuận bản quyền hình ảnh giữa các bên. FIFA cũng khuyến cáo cầu thủ tự quản lý hình ảnh của mình và không để xung đột lợi ích với CLB.

Tuy nhiên, rất khó để các cầu thủ đang thi đấu tại Nhật Bản có thể tạo ra cuộc "cách mạng" trong vấn đề bản quyền hình ảnh.

Japan Times ước tính doanh thu từ hình ảnh và các hợp đồng tài trợ của CLB Consadole đã tăng khoảng 40% kể từ khi Chanathip đến Nhật Bản chơi bóng. J.League cũng hưởng lợi lớn nhờ điều này.

Bản quyền hình ảnh của cầu thủ là một trong những nguồn thu quan trọng cho các CLB Nhật Bản, trong mục tiêu "lấy bóng đá nuôi bóng đá". Đó là lý do JFA phải trực tiếp "can thiệp", và thậm chí đưa nó vào trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp.

Những cầu thủ nước ngoài như Chanathip chỉ có thể trở thành đại diện cho các nhãn hàng tại quê nhà Thái Lan, sau khi đạt được thoả thuận với Consadole hay ban tổ chức J.League.

Về "Messi Thái", CLB Consadole vẫn cho phép tiền vệ này nhận các hợp đồng quảng cáo tại Thái Lan nếu không xung đột lợi ích với đội bóng.

Điều này có lẽ khiến Chanathip sẵn sàng thỏa hiệp về vấn đề bản quyền hình ảnh khi chuyển sang Nhật Bản thi đấu.

Khi Chanathip toả sáng tại J.League, anh không chỉ có bước phát triển trong sự nghiệp, mà còn nhận thêm nhiều lời mời từ các nhãn hàng của Thái Lan. Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi cho tới lúc này.

Cú đúp kiến tạo của Chanathip cho Consadole Trong trận thua 2-4 của Consadole trước Kashiwa chiều 22/2, Chanathip Songkrasin ghi dấu ấn với cú đúp kiến tạo.

Chanathip vào đội hình tí hon với chiều cao trung bình 1,6 m

Bóng đá thế giới chứng kiến nhiều trường hợp kỳ lạ khi những cầu thủ cao xấp xỉ 1,6 m thi đấu ở những vị trí đòi hỏi thể hình tốt như tiền vệ đánh chặn hay trung vệ.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm