Trận bán kết 1: Nguyễn Thị Nga vs Ng Sock Khim (Malaysia)
Nguyễn Thị Nga là tay vợt trẻ nhiều triển vọng nhất của bóng bàn Việt Nam. VĐV gốc Thái Bình hiện đầu quân cho đội tuyển bóng bàn Hà Nội.
Việc Nga lọt vào bán kết đã là thành tích bất ngờ và là cú sốc với giới chuyên môn, người hâm mộ bóng bàn. Trận bán kết chiều nay, Nga sẽ vào trận với tinh thần không có gì để mất, tay vợt trẻ nhất trong đội hình đội tuyển Việt Nam đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử cho bóng bàn nữ Việt Nam. |
Cô gái sinh năm 1994 có xuất phát điểm là vận động viên cầu lông phong trào nhưng lại được huấn luyện viên phát hiện tài năng và tuyển chọn vào đội bóng bàn. Hiện nay, Nguyễn Thị Nga là tay vợt nữ số 1 của đội tuyển Hà Nội nhưng vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng của liên đoàn bóng bàn thế giới ITTF.
Nga mới tham gia đội tuyển quốc gia từ năm 2012 và đây mới là SEA Games lần thứ 2 của cô (SEA Games trước Nga không tham gia nội dung đánh đơn). Ở trận bán kết bóng bàn đơn nữ SEA Games 28, Nga chạm trán Ng Sock Khim, hiện xếp hạng 161 thế giới.
Tay vợt sinh năm 1984 của Malaysia đang có phong độ cao và nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tay vợt lão làng trong khu vực Đông Nam Á sử dụng lối đánh bền bỉ, chắc chắn, công thủ toàn diện. Tuy nhiên, điểm yếu của vận động viên này là tốc độ và tuổi tác, mặt khác Ng Sock Khim cũng mới trở lại sau chấn thương.
Ng Sock Khim không phải là đối thủ quá lớn với các VĐV Việt Nam, khi tay vợt này từng là bại tướng của Mai Hoàng Mỹ Trang trong các kỳ SEA Gams trước. Khả năng chiến thắng trong trận đấu được chia đều cho cả 2 vận động viên. Hy vọng sức trẻ và sự bùng nổ của Nguyễn Thị Nga sẽ vượt qua kinh nghiệm và sự bền bỉ của Ng Sock Khim.
Trận bán kết 2: Mai Hoàng Mỹ Trang vs Sawettabut Suthasini (Thái Lan)
Trong nhiều năm qua, Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn là tay vợt số 1 của Việt Nam. Cô là tay vợt giàu kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất trong đội hình đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam hiện tại.
Dự đoán khả năng chiến thắng của Mai Hoàng Mỹ Trang 40-60. |
Không vượt qua được cái bóng quá lớn của VĐV lão làng Malaysia, Thái Lan và các ngôi sao nhập tịch người Trung Quốc của Singapore, thành tích cao nhất của Mai Hoàng Mỹ Trang tại SEA Games vẫn chỉ dừng lại ở tấm huy chương đồng đơn nữ.
Kỳ SEA Games này, Maylaisia và Thái Lan tham dự với đội hình trẻ tài năng thay thế cho các cựu binh, chướng ngại vật lớn nhất là người Singapore cũng đã bị loại. Tâm lý của Trang ở trận bán kết sẽ rất thoải mái vì cô không lạ gì tay vợt trẻ người Thái, Sawettabut Suthasini.
Đối thủ của Mỹ Trang sinh năm 1994 và đang cho cả Đông Nam Á thấy diện mạo hoàn toàn khác so với kỳ SEA Games trước. Cô có sự tiến bộ vượt bậc và thăng hoa trong 2 năm trở lại đây (thăng hạng từ 247 thế giới lên 107 hiện tại).
Vượt qua được tay vợt hạng 4 thế giới của Singapore để góp mặt trong trận bán kết chứng tỏ Suthasini không phải là tay vợt dễ vượt qua.
Về trạng thái tâm lý, Mỹ Trang sẽ có nhiều lợi thế và hơn hẳn về kinh nghiệm thi đấu tại đấu trường SEA Games.
Trong lịch sử SEA Games, Việt Nam chưa từng đoạt HCV đơn nữ. Tấm HCB của Nhan Vị Quân (1991) và Ngô Thu Thủy (1993) vẫn là thành tích tốt nhất, tính đến trước SEA Games 28.