Cho Jae-weon, giáo sư môi trường tại Viện Khoa Học Và Công Nghệ Quốc Gia Ulsan (UNIST), đã thiết kế thành công toilet thân thiện với môi trường. Thiết bị lạ này được kết nối với một buồng nhiên liệu có khả năng biến chất thải thành khí biogas và phân bón.
Không chỉ nghĩ ra ý tưởng về chiếc bồn cầu lạ đời, Cho còn nảy ra sáng kiến sẽ trả công cho mọi người bằng tiền mã hóa Ggool. Mỗi người khi sử dụng chiếc toilet thân thiện với môi trường này có thể nhận 10 Ggool/ ngày.
Số Ggool này có thể dùng để mua đồ dùng thức uống bán trong khuôn viên trường như cà phê, mì ăn liền, trái cây hoặc sách. Các sinh viên cũng có thể quét mã QR để thanh toán bằng Ggool có trong ví.
Chiếc bồn cầu được lắp đặt trong khuôn viên trường đại học và trả công cho sinh viên mỗi khi đi đại tiện. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết toilet hiện nay đều dùng rất nhiều nước để đánh trôi chất thải. Trong khi đó, chiếc bồn cầu BeeVi của giáo sư Cho lại sử dụng máy bơm chân không để đẩy phân vào một bình chứa nằm sâu trong lòng đất, giúp tiết kiệm nước.
Tại đây, các vi sinh vật trong bình sẽ phân hủy chất thải thành khí metan, cung cấp nguồn năng lượng cho bếp ga, bình đun siêu tốc và pin nhiên liệu oxit rắn. Số khí sau khi được chuyển hóa thành năng lượng còn có thể dùng để cung cấp cho một tòa nhà trong trường.
Theo Inceptive Mind, hệ thống tạo năng lượng của chiếc toilet này cũng nhỏ hơn loại toilet thông thường ngoài thị trường vì không dùng nước để dội chất thải.
“Nếu nghĩ khác đi, chúng ta sẽ nhận thấy phân người có giá trị cao trong việc tạo năng lượng mới và phân bón”, giáo sư Cho chia sẻ.
Theo ông, trung bình một người sẽ thải ra khoảng 500 g phân/ngày, có thể chuyển hóa thành 50 L khí metan. Số khí này sẽ tạo ra 0,5 kWh điện, tương đương với nguồn nhiên liệu một chiếc ôtô cần để di chuyển quãng đường dài 1,2 km.
Cho Jae-weon cho rằng phân người có giá trị trong việc tạo ra năng lượng và phân bón. Ảnh: Reuters. |
“Trước đây, tôi luôn nghĩ phân rất bẩn. Nhưng giờ nó lại trở nên rất có giá trị với tôi”, nghiên cứu sinh Heo Hui-jin chia sẻ với Reuters. Anh cho biết còn trò chuyện về đại tiện trong giờ ăn với bạn bè để bàn xem nên mua sách gì khi nhận được tiền từ bồn cầu BeeVi.
Nhận định về phát minh kỳ lạ này, người dùng Vittorio Villa trên Twitter cho rằng nó không có tính kinh tế cao.
“Đây là một ý tưởng thú vị nhưng quá lãng phí. Chiếc toilet có thể tạo ra 0,5 kWh/ngày, nhân lên là 180 kWh/năm. Tức là mỗi người chỉ được trả khoảng 18 USD/năm. Số tiền thưởng quá ít, trong khi còn phải tốn tiền chi phí bảo hành”, người dùng viết.