Genre: Hành động, Siêu anh hùng, Phiêu lưu
Director: Andy Muschietti
Cast: Ezra Miller, Ben Affleck, Michael Keaton, Sasha Calle...
Rating: 7,5/10
*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Sau thành tích ấn tượng của Guardians of the Galaxy Vol. 3 tại phòng vé lẫn mặt trận phê bình, khán giả càng thêm háo hức chờ đợi màn chào sân của The Flash. Trước đó, từng có không ít phản hồi sớm khen ngợi dự án mới từ nhà DC. Thậm chí, đây được cho là dự án xuất sắc trong nhiều năm qua, giúp hãng có thể “ngẩng cao mặt” trước nhà đối thủ Marvel.
Là tác phẩm đầu tiên của DC sau khi James Gunn lên chức chủ tịch, The Flash lại càng được đại chúng lẫn giới phê bình đặt nhiều kỳ vọng. Không phụ lòng mong đợi, bộ phim mang tới câu chuyện hấp dẫn, có sức nặng và giàu cảm xúc. Dù phần hình ảnh còn gây tranh cãi, song, khó thể phủ nhận The Flash chính là điểm sáng trong hàng loạt phim siêu anh hùng thời gian gần đây.
Cứu gia đình, hay cứu vũ trụ?
Trước khi ra rạp, The Flash từng phải trải qua không ít xáo trộn trong quá trình sản xuất và phát hành. Đây là phần phim riêng đầu tiên về vị siêu anh hùng cùng tên - một nhân vật mang tính biểu tượng của DC bên cạnh “trinity” Superman, Batman và Wonder Woman.
Chuyện phim xoay quanh Barry Ellen/The Flash (Ezra Miller), vẫn ám ảnh về nỗi đau mất mẹ trong quá khứ. Trong khi đó, cha anh đang bị giam giữ vì là nghi can sát hại vợ, không có chứng cứ ngoại phạm.
Một lần tình cờ, Barry phát hiện ra khả năng đi ngược thời gian. Điều đó khiến anh chàng quyết tâm trở về quá khứ, cứu cả gia đình khỏi tấn bi kịch. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra theo đúng ý định. Barry bị mắc kẹt ở một thực tại khác, nơi tướng Zod tái xuất và đe dọa hủy diệt tất cả.
Để ngăn chặn sự kiện này, anh phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những siêu anh hùng tại chính nơi đây.
Vì cứu gia đình, Barry mạo hiểm đánh cược an nguy của vũ trụ. |
Không giống nhiều dự án cùng thể loại mở đầu bằng cách giới thiệu phản diện, The Flash lựa chọn nhập đề với màn “show-off” nhân vật chính, cùng với đó hé lộ bi kịch mà anh từng phải trải qua. Barry Ellen được giới thiệu là một trong số các Speedster, tức siêu anh hùng có sức mạnh dựa trên tốc độ.
Bỏ mặc lời cảnh báo của Batman (Ben Affleck), anh vẫn quyết định du hành thời gian, dù biết nó có thể gây ra “hiệu ứng cánh bướm”. Một thay đổi dù là nhỏ nhất trong quá khứ có thể khiến dòng thời gian thay đổi, thậm chí sụp đổ, làm rẽ hướng thực tại và tương lai.
Không ngoài dự đoán, hành động tưởng chừng đơn giản của anh chàng kéo theo hàng loạt rắc rối. Barry chạm trán một phiên bản của chính mình tại một dòng thời gian khác - lúc này còn chưa biến đổi thành The Flash. Chưa kể, anh đánh mất mất sức mạnh, không thể dùng siêu tốc độ trở về dòng thời gian của mình.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi thực tại mà Barry lạc tới bị xáo trộn, không có sự xuất hiện của Liên minh Công lý.Cứu tinh duy nhất của anh chàng lúc này chỉ còn lại phiên bản Batman (Michael Keaton) thuộc dòng thời gian này.
Câu chuyện cảm xúc
Ấn tượng đầu tiên The Flash để lại chính là phần kịch bản. Là dự án phim riêng đầu tiên về vị siêu anh hùng trẻ, biên kịch cùng đạo diễn đã tạo không ít cơ hội giúp anh tỏa sáng. Qua hàng loạt biến cố, hành trình tâm lý nhân vật được thử thách đủ nhiều, để rồi thay đổi và trưởng thành trước khi hồi cuối khép lại.
Điều đó được thể hiện rõ nét qua hành trình mạo hiểm đánh cược an toàn của vũ trụ. Để rồi, chính vị anh hùng phải tự đi tìm lời giải cho bài toán cứu bố mẹ, hay cứu cả dòng thời gian.
Bất chấp tranh cãi, Ezra Miller vẫn được nhà sản xuất lựa chọn vào vai The Flash. |
Điểm thú vị nằm ở chỗ, có tới hai phiên bản Barry Allen cùng xuất hiện trong cùng thời điểm. Thế nhưng, bộ đôi lại có sự đối nghịch trong tính cách lẫn hành động. Barry của dòng thời gian gốc mang tâm hồn tổn thương, bị nuốt trọn bởi nỗi đau mất gia đình. Chính vì vậy, anh trở nên khép kín, cô độc và sống hướng nội. Trái ngược, phiên bản Barry còn lại là một cậu trai năm nhất đại học tinh nghịch, láu cá, với lối sống có phần buông thả dưới sự nuông chiều của ba mẹ.
Sự gặp gỡ giữa “hai phiên bản của một con người” tạo nên không ít tiếng cười cho khán giả. Bên cạnh đó, nó vẫn có thể đem lại những khoảnh khắc xúc động lấy đi nước mắt người xem. Dù vướng phải tai tiếng vì scandal, khó thể phủ nhận tài năng của Ezra Miller khi có màn biến hóa đầy ấn tượng trên màn ảnh rộng.
Xuyên suốt thời lượng hơn 2 tiếng, từ động cơ, cho đến mỗi quyết định và hành động của Barry Ellen đều được lý giải khá trọn vẹn. Mấu chốt vấn đề nằm ở tình yêu gia đình thay vì những lý tưởng anh hùng quá cao sang càng dễ thuyết phục, chạm đến cảm xúc khán giả.
Đây cũng chính là phương tiện giúp đạo diễn truyền tải thông điệp một cách tinh tế. Nó thể hiện trong chính lời răn dạy của người mẹ. Trong cuộc sống, không phải vấn đề nào cũng có lời giải. Đôi khi chúng ta phải học cách bỏ qua nó và bước tiếp.
Hình ảnh không đủ đặc sắc
Nhìn chung, The Flash hoàn toàn có thể làm hài lòng đại chúng bằng những trải nghiệm giải trí cơ bản. Không mang sắc thái quá u tối như các dự án của Zack Snyder hoặc quá “trẻ con” như Shazam 2, tác phẩm mà Andy Muschietti đem lại là sự cân bằng hài hòa, dễ tiếp cận nhiều đối tượng khán giả.
Về phần hình ảnh, The Flash mới dừng lại ở mức độ ổn, chưa đột phá và để lại nhiều ấn tượng. Cá biệt, đa vũ trụ hiện lên không thực sự bắt mắt, do chất lượng kỹ xảo còn khá trồi sụt. Hiệu ứng một số thước phim hành động, hay khi Barry Ellen tiến vào Speed Force cũng gây tranh cãi.
Song, tổng quan, The Flash chắc chắn không phải một bộ phim có chất lượng hình ảnh tệ. Thậm chí, với những khán giả không quá khắt khe về trải nghiệm thị giác, mọi thứ mà bộ phim của Andy Muschietti đem lại tỏ ra khá dễ chịu.
The Flash mang lại trải nghiệm giải trí ổn, chưa đặc sắc. |
Nếu hình ảnh có thể khiến một bộ phận khán giả lấn cấn, thì âm thanh lại là điểm cộng không thể phủ nhận. Chúng hỗ trợ đẩy nhanh mạch phim rõ rệt, khơi gợi nhiều cảm xúc trong khán giả.
Ngoài ra, sự xuất hiện ngập tràn của cameo và “fan-service” cũng là điều khó thể bỏ qua trong The Flash. Đáng chú ý nhất là màn tái xuất của tài tử Michael Keaton trong vai diễn Batman. Sau anh chàng siêu tốc độ, đây chính là nhân vật có nhiều đất trình diễn thứ hai trong phim. Phiên bản này càng trở nên đặc biệt khi được xây dựng trong hình tượng một anh hùng ẩn dật, sống khép kín trong lâu đài biệt lập của mình.
Ngoài Batman,người hâm mộ DC chắc chắn sẽ thích thú khi chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật trong quá khứ, cùng với một số thành viên của Liên minh Công lý. Tuy nhiên, việc nhà sản xuất cài cắm cameo cùng “fan-service” quá nhiều khó tránh khỏi việc làm lỏng lẻo mạch truyện. Một vài cảnh tượng trở nên thừa thãi, dài dòng và không để lại nhiều giá trị.
Cuối cùng, Supergirl (Sasha Calle) và phản diện Zod (Michael Shannon) là hai nhân vật gây thất vọng nhất trong phim. Cách giới thiệu cũ kỹ, cùng màn trình diễn mờ nhạt chưa tạo được ấn tượng tích cực với khán giả. Pha “combat” cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở mức độ ổn, chưa đã.
Rất may, đạo diễn vẫn biết cách đẩy cảm xúc lên cao trào bằng cách hóa giải nút thắt dễ khiến người xem rơi nước mắt. Đây cũng chính là điểm “ăn tiền” nhất mà Andy Muschietti làm được trong bộ phim này.
Tựu trung, The Flash chưa phải hoàn hảo, nhưng vẫn là một bộ phim chất lượng cao với điểm mạnh về kịch bản, âm thanh và diễn xuất của nhân vật chính.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.