Tài liệu trên được viết năm 1969. Phóng viên điều tra Eric Schlosser lấy được tài liệu này theo Đạo luật Tự do thông tin và đăng tải lần đầu tiên trên báo Guardian (Anh) ngày 20/9. Người viết là kỹ sư cấp cao Parker F Jones của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, vốn chịu trách nhiệm về độ an toàn của các vũ khí hạt nhân.
"Nạp" bom cho B-52. Ảnh minh họa: defensemedianetwork.com |
Sự cố xảy ra chỉ 3 ngày sau khi cố Tổng thống Mỹ John F Kennedy đọc diễn văn nhậm chức. Chiếc máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Seymour Johnson ở Goldsboro, bang North Carolina, đang bay dọc bờ biển phía Đông thì gặp sự cố vào ngày 23/1/1961.
Khi máy bay bổ nhào xuống, 2 quả bom khinh khí Mark 39 bị rơi xuống đất. Mỗi quả bom có sức nổ tương đương 4 triệu tấn thuốc nổ TNT, có sức công phá gấp 260 lần quả bom nguyên tử hủy diệt Hiroshima – Nhật Bản năm 1945.
Một trong 2 quả bom hoạt động như loại bom hạt nhân ném xuống Nhật Bản, tức là dù bung ra và khởi động cơ chế kích nổ. Quả bom này rơi xuống cánh đồng gần Faro, bang North Carolina, dù của nó phủ trên những cành cây. Ông Jones phát hiện chỉ còn lại đúng 1 trong số 4 chốt an toàn của quả bom rơi xuống Faro hoạt động, cứu nước Mỹ khỏi thảm họa. Nếu bom phát nổ, hàng triệu tính mạng ở Washington, Baltimore, Philadelphia và thậm chí là cả ở New York sẽ bị đe dọa.
Quả bom còn lại lao thẳng xuống bãi cỏ ven đường Big Daddy, không gây ra thiệt hại gì nghiêm trọng.
Cũng theo tài liệu trên, ít nhất 700 tai nạn và sự cố "đáng kể” liên quan đến 1.250 vũ khí hạt nhân đã được ghi nhận từ năm 1950 – 1968. Phóng viên Eric Schlosser chất vấn: “Chính phủ Mỹ luôn che giấu thông tin để tránh bị đặt câu hỏi về chính sách hạt nhân. Người dân Mỹ luôn được trấn an rằng sẽ không có chuyện vũ khí hạt nhân vô tình bị kích nổ, nhưng đây là bằng chứng cho thấy thảm họa chút nữa là xảy ra”.