Cuộc chiến pháp lý dai dẳng?
Việc có quá nhiều bên có thể phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân khiến vụ việc thêm phức tạp, đó là chưa kể hiện rất khó chứng minh kẻ nào đứng đằng sau vụ bắn hạ chiếc máy bay trong vùng chiến sự. Thảm họa này xảy ra chỉ vài tháng sau khi một chuyến bay khác của Malaysia Airlines, MH370, biến mất không để lại dấu vết cùng 227 người trên đó. Trong vụ MH17, những bên chịu trách nhiệm có thể bao gồm hãng hàng không, các chính phủ và nhà chức trách hàng không ở Malaysia và Hà Lan, vì họ đã cho phép chiếc máy bay bay qua vùng chiến sự, báo Mỹ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia ngày 20/7.
Các chính phủ Nga và Ukraine cũng có thể phải chịu trách nhiệm nếu các điều tra viên tìm ra bằng chứng cho thấy họ có liên can tới vụ tai nạn.
Hoa tưởng niệm các nạn nhân MH17 trước Đại sứ quán Hà Lan ở Kiev, Ukraine. |
Các khoản bồi thường ban đầu sẽ từ Hãng Malaysia Airlines. Số tiền mà một hãng hàng không phải bồi thường cho nạn nhân được quy định theo công ước Montreal, ở mức tối đa 170.000 USD/hành khách. Hãng hàng không sẽ phải trả khoản tiền đó dù tai nạn có phải là lỗi của họ hay không.
“Malaysia Airlines có nghĩa vụ về mặt hợp đồng, một chiếc vé máy bay có giá trị tương đương một hợp đồng quy định hành khách phải đi được từ điểm A tới điểm B còn sống” - Mark Dombroff của Công ty luật Mỹ McKenna Long & Aldridge cho biết.
Đòi tiền bồi thường: không dễ!
Tuy nhiên, có thể sau đó Malaysia Airlines sẽ chuyển trách nhiệm bồi thường cho kẻ nào đã phóng tên lửa, nhưng vụ việc phức tạp hơn vì chiếc máy bay đã bay qua vùng chiến sự.
“Khó khăn với Hãng Malaysia Airlines là các hành khách có thể lập luận hầu hết hãng hàng không biết không phận Ukraine là vùng chiến sự và hai chiếc máy bay khác đã bị bắn rơi ở đó mới trong tuần trước”, chuyên gia luật hàng không Kevin Bartlett ở Cooper Grace Ward Lawyers, Brisbane, Úc, nói.
Một mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 bị bắn tại Ukraine (ảnh chụp hôm 20/7). |
Các chính phủ từng có tiền lệ góp tiền bồi thường cho nạn nhân các chuyến bay dân sự bị tên lửa quân sự bắn rơi. Năm 1988, Chính phủ Mỹ đã trả tiền bồi thường cho các nạn nhân trên chuyến bay 655 của Hãng Iran Air bị tên lửa đất đối không của Mỹ bắn trúng. Các gia đình của 290 nạn nhân trên chiếc máy bay đã nhận được khoản tiền bồi thường tổng cộng 61 triệu USD từ Chính phủ Mỹ.
Với các hãng bảo hiểm, mỗi hợp đồng bảo hiểm hàng không thường có hai phần, một phần chi trả cho hành khách và một phần khác cho chiếc máy bay. Hãng Allianz của Đức hiện đứng đầu trong nhóm các hãng bảo hiểm cho Malaysia Airlines. Và theo các chuyên gia, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 được định giá khoảng 97,3 triệu USD.
Gia đình các nạn nhân cũng có thể kiện Chính phủ Nga nếu như họ bị chứng minh là đã cung cấp tên lửa Buk bắn rơi chiếc máy bay, điều mà Matxcơva đã bác bỏ. Trong khi đó, đòi tiền bồi thường từ lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine sẽ rất khó khăn, bởi tình trạng tài chính và tư cách pháp lý của lực lượng này rất không rõ ràng.
Muôn trùng khó bủa vây Malaysia Airlines
Quỹ chính phủ Khazanah Nasional Bhd. - sở hữu 69% cổ phần trong Hãng hàng không Malaysia Airlines - đang lên kế hoạch thâu tóm hoàn toàn doanh nghiệp này và có thể sẽ chính thức công bố kế hoạch vào đầu tháng 8/2014, theo Wall Street Journal.
Thậm chí trước khi chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine hôm 17/7 vừa qua, Quỹ đầu tư nhà nước của Malaysia Khazanah Nasional Bhd. đã cân nhắc việc mua hết phần còn lại của Malaysia Airlines, cùng đưa ra các đề xuất tái cơ cấu khác để hồi sinh hãng hàng không trong 6-12 tháng tới. Mất mát từ thảm kịch MH17, cùng với đà rơi tự do của cổ phiếu Malaysia Airlines và mối đe dọa doanh thu sẽ tiếp tục giảm sâu nếu hành khách bỏ chuyến bay tương lai, càng hiện thực hóa khả năng công ty sẽ bị chuyển giao hoàn toàn thông qua lần mua đứt cổ phiếu dù hãng vẫn còn một số lựa chọn khác, theo nguồn thạo tin tiết lộ.
Khazanah Nasional sở hữu khối tài sản trị giá 40 tỷ USD trong khoảng 50 công ty trải rộng trên khắp các lĩnh vực, từ ngân hàng, viễn thông, y tế đến công viên giải trí.
Sau khi có thông tin chiếc máy bay MH17 gặp nạn, cổ phiếu của Malaysia Airlines đã tuột dốc 18% và tính riêng trong năm 2014, cổ phiếu "bốc hơi" 35%. Trên sàn giao dịch đóng cửa hôm thứ sáu 18/7, Malaysia Airlines được định giá 3,34 tỷ ringgit (khoảng 1,05 tỷ USD).
Trước khi xảy ra vụ MH 370 mất tích hôm 8/3/2014, hãng công bố năm thứ ba liên tiếp thua lỗ với tổng thiệt hại 1,3 tỷ USD. Dù MH370 vẫn chưa được tìm thấy nhưng khách hàng đã bắt đầu quay lưng lại với Malaysia Airlines sau khi chuyến bay MH17 bị bắn.
Bất kỳ một kế hoạch tái cơ cấu nào cũng cần phải có sự đồng thuận từ Chính phủ Malaysia và có thể đưa Malaysia Airlines trở thành hãng hàng không quốc doanh, theo phát biểu từ giám đốc Khazanah Nasional Azman Mokhtar hồi tháng 6 - thời điểm quỹ đang xem xét lại cách giải quyết những rắc rối của hãng. Một người quen thuộc với vấn đề này nói cổ phiếu Malaysia Airlines "đại hạ giá" sẽ giúp Khazanah Nasional mua lại Malaysia Airlines rẻ hơn.
Hôm 20/7, Malaysia Airlines công bố từ nay đến ngày 24/7 khách hàng có thể thay đổi chuyến bay hay trả vé mà không phải chịu bất kỳ thiệt hại tài chính nào cho mọi chuyến bay trong năm 2014. Trong trường hợp có một lượng lớn khách hàng làm như vậy thì có thể ảnh hưởng đến doanh thu. Người phát ngôn của hãng cho biết hãng sẽ hoàn tiền 100% nhưng không tiết lộ có bao nhiêu khách hàng đã hủy vé.
Hồi tháng 5-2014, Malaysia Airlines cho biết vụ MH370 đã "tác động đáng kể" lên kết quả kinh doanh quý I của hãng, khách hàng hủy vé khiến công ty mất đến 443 triệu ringgit (khoảng 140 triệu USD).