Theo Wall Street Journal, trong bối cảnh nhu cầu đi lại lao dốc do tác động của dịch Covid-19, các hãng hàng không trên toàn cầu đồng loạt hoãn nhận máy bay theo đơn đã đặt khiến nhà sản xuất Boeing, Airbus cũng như các nhà cung cấp lâm vào khủng hoảng tài chính.
Lệnh hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng gây cản trở, khiến nhân viên của các hãng bay không thể tới Mỹ và châu Âu để nhận hàng.
Hoãn, hủy đơn hàng đồng loạt
Trong quý II/2020, Boeing chỉ giao được 20 máy bay, giảm từ 90 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1963, theo phân tích dữ liệu giao hàng của Boeing.
Máy bay Boeing 737 tại bãi đỗ Boeing Field tại bang Washington vào cuối tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, quý II, Airbus giao 74 máy bay, giảm từ 227 chiếc cùng kỳ năm trước. Trong số những máy bay chưa được giao của Airbus có 4 chiếc của Delta Air Lines Inc., theo hãng tư vấn Ascend by Cirium. Hãng hàng không Delta trước đó tuyên bố sẽ không nhận máy bay mới trong năm 2020.
Một số khách hàng của Boeing và Airbus thậm chí đã hủy toàn bộ đơn hàng. Hồi tháng 6, hãng hàng không Norwegian Air Shuttle (Na Uy) tuyên bố hủy hợp đồng mua 5 chiếc 787 Dreamliner và 92 chiếc 737 Max của Boeing.
Tại Boeing, một nguyên nhân lớn khiến lượng máy bay tồn kho của hãng ngày càng lớn là phi cơ 737 MAX bị đình bay từ tháng 3/2019 do liên quan tới 2 vụ tai nạn. Hiện tại, hãng này tồn kho hơn 420 chiếc 737 MAX.
Boeing đã tạm dừng sản xuất 737 MAX trong 4 tháng từ tháng 1/2020 và dự kiến khôi phục sản xuất với sản lượng 31 chiếc mỗi tháng vào năm tới - chỉ bằng một nửa sản lượng so với trước khi bị đình bay. Trong khi đó, Cục Hàng không Liên bang Mỹ có thể sẽ chưa cấp phép để dòng máy bay này trở lại bầu trời cho tới cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay, theo nguồn tin từ một vài quan chức chính phủ.
Theo Ascend by Cirium, tính tới đầu tháng 7, Boeing tồn 35 máy bay thân rộng 787 Dreamliner, 777 và 747 - các máy bay thường được dùng cho những chặng quốc tế, đang chờ giao cho khách hàng. Trước khi tuyên bố cắt sản lượng hồi tháng 4, nhà sản xuất Mỹ xuất xưởng 14 chiếc Dreamliner và 5 chiếc 777 mỗi tháng. Khi các nhà máy chật chỗ, hãng này bắt đầu đưa một số máy bay tới đỗ tại một sân bay ở Victorville, California.
Hãng cho thuê máy bay Air Lease Corp. (Mỹ) cũng có hai chiếc 787 Dreamliner đang nằm ở bãi đỗ của nhà máy Boeing tại bang South Carolina chờ bàn giao cho hãng hàng không China Southern Airlines (Trung Quốc). CEO John Plueger của Air Lease cho biết việc bàn giao bị hoãn lại do lệnh giới hạn đi lại bởi các hãng bay không muốn nhân viên bị cách ly hàng tuần sau khi đến Mỹ nhận hàng.
Trong đó, tính tới cuối tháng 6, hãng này có khoảng 130 máy bay chờ giao cho khách.
Áp lực tài chính, sa thải hàng loạt
Theo các nhà phân tích, trong khi không giao máy bay để nhận thanh toán, Boeing và Airbus vẫn phải đốt hàng tỷ USD chi phí, đẩy các hãng này vào cảnh khủng hoảng. Áp lực lan sang các nhà cung cấp như hãng sản xuất động cơ máy bay General Electric Co. Cũng như các hãng sản xuất máy bay, họ chỉ nhận được thanh toán khi máy bay được giao cho khách hàng. Thông thường, các hãng hàng không sẽ thanh toán hơn 50% giá trị đơn hàng khi nhận máy bay.
Máy bay Airbus của hãng hàng không British Airways đỗ tại sân bay Chateauroux Centre Marcel Dassault, Pháp. Ảnh: Getty Images. |
Đầu tháng này, giám đốc tài chính Greg Smith của Boeing cho biết công ty này đang đàm phán về thời gian giao hàng với một số khách nhằm duy trì sản lượng sản xuất. Sau các cuộc đàm phán này, một số hàng hãng không có thể đồng ý mua máy bay hoặc dịch vụ vào các năm sau. Các hợp đồng máy bay thường cho phép bên mua hủy đơn hàng mà không bị phạt tiền nếu nhà sản xuất trì hoãn giao hàng từ 1 năm trở lên.
Do áp lực tài chính, Boeing đã cắt giảm sản xuất và sa thải 10% trong tổng số 160.000 nhân viên trên toàn cầu. Trong khi đó, Airbus cho biết có kế hoạch sa thải 15.000 nhân viên và giảm 1/3 sản lượng.