Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Đây là văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018 (Luật phòng, chống tham nhũng) về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cán bộ nào cũng có thể bị xác minh tài sản
Dự thảo nghị định quy định người người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập chậm nhất vào 30/1 hàng năm, đồng thời xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.
Dự thảo nghị định này quy định hàng năm sẽ xác minh tối thiểu 10% các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và xác minh ít nhất 20% các đơn vị trực thuộc bộ, ngành còn lại.
Đặc biệt, việc lựa chọn cán bộ cần xác minh tài sản được thực hiện bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên.
Biệt phủ của một giám đốc sở ở Yên Bái từng gây xôn xao dư luận về việc kê khai tài sản, thu nhập. |
Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan được xác minh theo kế hoạch. Trong đó có ít nhất 1 người là cán bộ đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.
Trước băn khoăn về cơ sở của việc quy định tỷ lệ 10% hay 20% tỷ lệ cán bộ phải xác minh tài sản, Thanh tra Chính phủ giải thích dự thảo ấn định tỷ lệ này để bảo đảm việc xác minh được thực thi nghiêm túc, khắc phục tình trạng quản lý hình thức thời gian qua.
Riêng về số lượng người được xác minh thì tùy theo tình hình thực tế, năng lực mà cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ quyết định, nhưng phải bảo đảm việc tập trung kiểm soát đối với người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu.
Việc quy định tỷ lệ 20% cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm trong 1 nhiệm kỳ bổ nhiệm, bất cứ cán bộ nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều có khả năng được xác minh ngẫu nhiên.
Tuy vậy, một số ngành, lĩnh vực có số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc quá lớn thì việc xác minh 20% số cơ quan, đơn vị trực thuộc sẽ có khó khăn. Một số bộ, ngành đã quy định chỉ xác minh tối thiểu 10% số đơn vị trực thuộc.
Ngoài việc xác minh tài sản ngẫu nhiên của cán bộ, nhiều trường hợp cũng thuộc diện xác minh tài sản như có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với lần kê khai liên trước mà không giải trình hợp lý nguồn gốc. Người bị tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng sẽ bị xác minh tài sản.
Chậm nộp kê khai tài sản có thể bị buộc thôi việc
Dự thảo nghị định nêu rõ cán bộ kê khai tài sản và thu nhập hoặc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực sẽ bị xử lý.
Nếu cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập, tẩu tán tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, tước quân hàm sỹ quan, tước danh hiệu quân nhân, tước danh hiệu công an nhân dân.
Người chậm nộp bản kê khai tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng từ trên 15 đến 30 ngày sẽ bị kỷ luật khiển trách; chậm trên 30 đến 45 ngày bị kỷ luật cảnh cáo và chậm trên 45 ngày sẽ bị buộc thôi việc.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức việc kê khai, công khai, nộp bản kê khai thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của mình thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, người tiến hành xác minh nếu có vi phạm có thể sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, giáng chức đến cách chức.