Vụ án nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai và sai phạm của các cựu lãnh đạo bệnh viện này được báo chí đề cập tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10.
Cung cấp thông tin về vụ án, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết từ vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào lời khai của bị can để tính toán tới việc điều tra mở rộng.
Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định việc Bệnh viện Bạch Mai nâng khống giá thiết bị không phải vụ đầu tiên và cũng sẽ không phải vụ cuối cùng. Ảnh: Việt Linh. |
“Vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là vụ đầu tiên và chắc chắn sẽ không phải vụ cuối cùng liên quan đến hoạt động nâng khống giá thiết bị y tế”, ông Xô nói và cho hay diễn tiến vụ án đến đâu, công an sẽ điều tra đến đó.
Làm rõ thêm vụ việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Về quản lý, Chính phủ hiện đã có 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động này. Bộ Y tế cũng có Thông tư 04 quy định về việc lắp đặt thiết bị y tế, khai thác tại các bệnh viện công.
“Việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế, thực tế giúp ngành y tận dụng được công nghệ cao, giúp các cơ sở y tế trong điều kiện nguồn vốn có hạn có thể mở rộng hoạt động phục vụ người dân”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, ông cho rằng thầy thuốc cũng là người được thụ hưởng từ chính sách này. Thông qua việc vận hành, khai thác máy móc hiện đại, robot phẫu thuật, các y bác sĩ được cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề để phục vụ người dân.
Trong khi đó, người dân thì đỡ phải ra nước ngoài khám chữa bệnh khi trong nước có đầy đủ máy móc, điều kiện với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại của hoạt động liên doanh liên kết, xã hội hóa đầu tư y tế, theo ông Sơn, chính là việc nâng giá các thiết bị.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định sau vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát, kiểm tra hoạt động phê duyệt giá các thiết bị và giá dịch vụ y tế điều trị tự nguyện tại các bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói về mặt được và hạn chế của chủ trương xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế. Ảnh: Việt Linh. |
Cũng từ vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai hay vụ tiêu cực tại CDC Hà Nội, ông Sơn cho biết quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng vừa ký Chỉ thị 20, yêu cầu các cơ quan y tế trong cả nước rà soát việc xã hội hóa đã thực hiện ở các bệnh viện, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế để người dân được lựa chọn.
Việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã được Thủ tướng chỉ đạo từ cuối năm 2018, đầu 2019 về giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu.
Bộ Y tế đã dự thảo thông tư về việc này trong quý I, quý II/2019 nhưng để ban hành cần sự chấp nhận của các bộ, ngành và phụ thuộc vào tình hình, yêu cầu, kiểm soát giá tiêu dùng, không để CPI tăng quá mức. Sau đó, dịch Covid-19 xảy ra, thông tư này bị dừng lại.
“Theo dự kiến, tất cả doanh nghiệp phải công bố giá thiết bị y tế lên cổng thông tin của Bộ Y tế từ tháng 9 và hoàn tất vào 31/12”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tối 25/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an, đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh trên, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc bệnh viện này) và bà Trịnh Thị Thuận (cựu kế toán trưởng).
Theo Bộ Công an, việc khởi tố 3 bị can nhằm điều tra mở rộng vụ án liên quan đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Bộ Công an xác định giá nhập robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty BMS khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca.
Từ năm 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca. Như vậy, số tiền người bệnh bị chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, ngày 1/9, Bộ Công an đã khởi tố Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc công ty này và Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty VFS, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.