Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế nêu 3 cấp độ phòng dịch với 3 nhóm địa phương

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thuộc 3 mức độ nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thực hiện biện pháp phòng, tránh Covid-19 theo 3 mức độ tương ứng là yêu cầu, hạn chế và khuyến khích.

Chiều 17/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 tổ chức buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm lấy ý kiến về phương án cụ thể để tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong 2 tuần tiếp theo.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia, dự thảo phương án thực hiện Chỉ thị 15 và 16 trong thời gian tới được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ soạn thảo. Dự kiến, dự thảo trình Thủ tướng vào sáng mai, 18/4.

Phân chia mức độ theo từng nhóm

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay ngoài những quy định chung cho cả 3 nhóm tỉnh, thành, dự thảo mới phân chia mức độ thực hiện một số biện pháp theo từng nhóm.

Cụ thể, nhóm tỉnh, thành có nguy cơ cao thực hiện một số biện pháp mang tính yêu cầu; nhóm có nguy cơ sẽ thực hiện ở mức độ hạn chế và nhóm nguy cơ thấp là khuyến khích.

Tinh hinh dich Covid19 anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Đối với địa phương có nguy cơ cao, chính quyền cần yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa việc ra đường trừ trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu hoặc trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám bệnh, thiên tai, hỏa hoạn hay nhân viên lực lượng ngoại giao, lực lượng vũ trang.

Nhóm có nguy cơ cao không được để người dân tụ tập quá 2 người, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc tại nơi công sở, bệnh viện, trường học. Các tỉnh, thành cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, giao thông liên tỉnh và sắp xếp lại giao thông nội tỉnh. Cơ sở cung ứng mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu bắt buộc đóng cửa.

Nhóm địa phương có nguy cơ hạn chế người dân ra ngoài, không tụ tập quá 10 người và phải thực hiện biện pháp phòng, chống dịch khi giao tiếp; đồng thời, hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng và liên tỉnh, khuyến cáo hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh.

Nhóm này cần hạn chế mở các cửa hàng phục vụ mặt hàng không thiết yếu, hạn chế một số loại hình kinh doanh, lao động tự do trên đường phố. UBND các tỉnh, thành phố quyết định việc mở cửa hàng không thiết yếu và địa điểm kinh doanh đường phố và phải đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Nhóm địa phương có nguy cơ thấp khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tập trung quá 20 người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc và khuyến khích hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, giao thông liên tỉnh.

Những địa phương này cũng được khuyến khích không mở cửa hàng phục vụ mặt hàng không thiết yếu. Các hình thức kinh doanh, lao động tự do được làm việc nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng lây nhiễm.

Tinh hinh dich Covid19 anh 2

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm góp ý cho dự thảo tại buổi họp. Ảnh: Quang Huy.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm những biện pháp trên và tuân thủ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố cần quyết định cụ thể hơn việc thực hiện cách ly xã hội và biện pháp phù hợp.

Nhóm tỉnh, thành có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn nhưng phải đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Cần hướng dẫn rõ ràng thế nào là thiết yếu

Góp ý cho dự thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho rằng chỉ thị mới cần có hướng dẫn rõ ràng thế nào là thiết yếu để các tỉnh, thành áp dụng thống nhất.

“Chỉ thị yêu cầu đóng cửa cơ sở cung ứng mặt hàng dịch vụ không thiết yếu. TP.HCM khi thực hiện Chỉ thị 16 cũng đã làm rồi nhưng thực hiện việc này lúng túng. Nếu các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn làm rõ thì tốt hơn”, Phó chủ tịch chia sẻ.

Với các nội dung còn lại, TP.HCM không có ý kiến gì thêm và cho biết thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Bộ chỉ số đánh giá rủi ro, đồng thời, bổ sung tiêu chí đánh giá an toàn với từng đơn vị, đặc biệt với ngành giáo dục.

Tính đến 17/4, cả nước có tổng số ca mắc Covid-19 là 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 73.758. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 369, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.628, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 61.761.

Tinh hinh dich Covid19 anh 3

Đồ họa: Nhân Lê - Hoài Thanh.

Thử nghiệm camera ảnh nhiệt tại chốt kiểm soát dịch cửa ngõ TP.HCM Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thử nghiệm camera ảnh nhiệt đo nhanh và có thể đo nhiệt ở khoảng cách 3 m. Việc thử nghiệm thành công có thể đưa vào sử dụng rộng rãi.

Chủ tịch Hà Nội nói về kịch bản tốt nhất và tệ nhất của dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Đức Chung, kịch bản tốt nhất là đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng 3 tháng và được khống chế, kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

TP.HCM kết thúc theo dõi 23 người từng đến Bệnh viện Bạch Mai

23 trường hợp từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó di chuyển về TP.HCM, đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Quang Huy - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm