Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế lý giải mốc 15/9 kiểm soát dịch ở TP.HCM

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết đề xuất của Bộ Y tế về mốc thời gian kiểm soát dịch tại các địa phương dựa trên tỷ lệ mắc cũng như sự đáp ứng trong công tác phòng chống dịch.

Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều tối 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trao đổi nhanh với báo chí về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM, việc phân bổ và sản xuất vaccine trong nước.

"Hy vọng tình hình ở TP.HCM sớm ổn định"

- Thưa ông, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ đưa ra mốc thời gian khống chế, kiểm soát dịch ở TP.HCM trước 15/9, ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8. Bộ dựa trên cơ sở nào để đưa ra các dấu mốc này?

- Nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, dựa trên đề xuất của Bộ Y tế. Để đưa ra đề xuất này, Bộ Y tế dựa trên tình hình hiện tại về tỷ lệ mắc cũng như sự đáp ứng trong công tác phòng chống dịch của các tỉnh, thành dưới sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị.

Tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt ở TP.HCM, tỷ lệ mắc đang có xu hướng đi ngang, chúng tôi hy vọng cùng với việc kiểm soát tốt hơn ở TP.HCM, chúng ta sẽ thực hiện thực sự nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhất là ở các vùng đỏ, và đồng thời mở rộng vùng xanh.

Den 2022 du kha nang tu chu vaccine anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: Hiếu Công.

Với vùng vàng, vùng đỏ, cần có chiến lược xét nghiệm phù hợp, khi nào dùng test kháng nguyên nhanh, khi nào dùng xét nghiệm PCR để nhanh nhất tách F0 ra khỏi cộng đồng. Từ đó, từng bước xanh hóa vùng đỏ và vùng vàng, kết hợp đáp ứng chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân tại các tầng.

Chúng ta phải phân tầng đúng và chuyển đúng để hạn chế quá tải ở tầng 3 và hạn chế trường hợp tử vong.

Tôi hi vọng với sự vào cuộc quyết liệt và khi ý thức của người dân tốt hơn, thực hiện tốt hơn Chỉ thị 16, dịch sẽ sớm ổn định và được kiểm soát.

- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng số ca mắc ở một số địa phương, đặc biệt như TP.HCM, đi ngang vì xét nghiệm không bao phủ rộng, còn thực tế dịch vẫn đang rất căng thẳng?

- Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo Bộ Y tế đang chỉ đạo chống dịch tại TP.HCM. Bộ Y tế đã cử trên 1.000 cán bộ nhân viên, sinh viên, học sinh ngành y dược vào hỗ trợ cho TP.HCM cùng nhiều lực lượng xung phong khác.

Trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM đều có sự hỗ trợ, cố vấn và chúng tôi hy vọng dịch sẽ sớm ổn định.

Đến 2022 đủ khả năng tự chủ vaccine

- TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và khẳng định có thể tiêm phủ cho tất cả người 18 tuổi trở lên. Vậy nguyên tắc phân bổ của Bộ Y tế như thế nào để đảm bảo cho TP.HCM cũng như các địa phương khác?

- Theo nguyên tắc phân bổ vaccine, chúng tôi sẽ phân bổ dựa trên tình hình mắc bệnh của từng địa phương. Hiện tại, TP.HCM là nơi có số người mắc cũng như tỷ lệ mắc cao nhất nước, đương nhiên sẽ được ưu tiên phân bổ nhiều nhất.

Ngoài ra, Bộ Y tế phân bổ vaccine dựa vào tiêu chí khác, ví dụ theo dân số hay một số yếu tố như tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp. Quan điểm là phân bổ cố gắng hài hòa, hợp lý nhất. Tôi hi vọng sớm đủ vaccine để giảm bớt áp lực trong phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố.

- Để chủ động nguồn vaccine, mới đây, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế xem xét rút ngắn quy trình cấp phép vaccine Nano Covax. Ông có thể thông tin rõ hơn về việc này?

- Đây là chỉ đạo hoàn toàn hợp lý và đã có trong Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch.

Vaccine và thuốc điều trị Covid-19 khi đánh giá giữa giai đoạn 3, tức là ở thời điểm chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, nếu tính hiệu quả, đặc biệt với vaccine có tính sinh miễn dịch cao và tốt sẽ được xem xét cấp phép dựa trên ý kiến tư vấn, đề xuất của Hội đồng Đạo đức quốc gia và Hội đồng Cấp phép thuốc, sinh phẩm và vaccine quốc gia.

Hiện tại, chúng ta cũng có một số nhà sản xuất nghiên cứu trong nước và đang nhận chuyển giao từ nước ngoài.

Tôi muốn nhắc lại dấu mốc tháng 4/2020, khi đó, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập thành công virus SARS-CoV-2. Đây là tiền đề rất quan trọng cho các cơ sở nghiên cứu, phát triển vaccine.

Mới đây nhất, ngày 7/7, chúng tôi đã xin phép Hội đồng Đạo đức quốc gia để nghiệm thu pha 1 và giữa pha 2 vaccine Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen. Qua nghiệm thu cho thấy vaccine này bước đầu an toàn và có sinh miễn dịch tương đối.

Sau đó, Hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện pha 3. Đáng lưu ý, chúng tôi cho phép “gối đầu” để làm sao nhanh nhất hoàn thiện nghiên cứu vaccine. Cuối tuần tới khi có kết quả giữa kỳ pha 3, chúng tôi sẽ tiếp tục họp với Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép, nếu kết quả tốt, an toàn, sinh miễn dịch cao, bước đầu đánh giá hiệu quả bảo vệ thì dự kiến cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Den 2022 du kha nang tu chu vaccine anh 2

Lãnh đạo Bộ Y tế hy vọng đến đầu 2022, Việt Nam đủ khả năng để tự chủ vaccine.. Ảnh: Quỳnh Danh.

Còn Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) cũng đã hoàn tất pha 1 và bắt đầu sang pha 2. Dự kiến trong năm 2021 IVAC sẽ hoàn tất pha 2 và pha 3.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất, tập đoàn, công ty đã nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Dự kiến 15/8 tới sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine do Tập đoàn Vingroup kết hợp với Mỹ và nếu thuận lợi thì cuối 2021 sẽ xong.

Tương tự, chúng ta có hợp tác với Nhật Bản, Cuba, Đức, Tây Ban Nha trong thương mại và chuyển giao công nghệ nhằm có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất.

Việc nghiên cứu vaccine trên tinh thần nhanh chóng nhưng đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ để sớm có vaccine an toàn, hiệu quả. Đến đầu 2022, dự kiến chúng ta có đủ khả năng để tự chủ vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Một ngày có thể tiêm 2 triệu liều vaccine'

"Sau này khi vaccine nhiều hơn, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị quốc phòng để đẩy tốc độ và có thể tiêm 2 triệu liều một ngày”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.

Thủ tướng: 'Chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay'

Quán triệt sự linh hoạt trong thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng nhấn mạnh trước mắt, Chính phủ xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay.

Hoài Thu - Hiếu Công ghi

Bạn có thể quan tâm