Chiều 6/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu ở Nhật Bản, cũng như nguồn gốc hàng hóa.
Theo ông Phong, Cục An toàn Thực phẩm chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu và đang chủ động kiểm tra.
Hình ảnh loại tương ớt Chinsu bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi vì chứa chất cấm. Ảnh: OsakaCity. |
Liên quan thành phần axit bezoic có trong tương ớt Chinsu - nguyên nhân dẫn tới việc bị thu hồi tại Nhật Bản - ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, thuộc Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết đây là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc. Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho hay benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.
Theo ông Thịnh, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex) có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm. Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.
Đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc.
Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.