Sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã thông tin về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc xử lý thuốc nhập khẩu của Công ty CP VN Pharma.
Cụ thể, thông cáo của Bộ Y tế cho hay TAND TP.HCM đã xét xử vụ án buôn lậu và làm giả con dấu tài liệu của tổ chức cơ quan của Công ty VN Pharma nghiêm minh theo pháp luật.
"Tài liệu của VN Pharma được làm giả tinh vi"
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, về việc thẩm định đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK của Công ty Cổ phần VN Pharma (đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500Mg Caplet) có sự tham gia thẩm định theo quyết định của Cục Quản lý Dược. Quyết định bao gồm 10 chuyên gia thẩm định của Đại học Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Cục Quản lý Dược.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, thông tin về trách nhiệm của Bộ trong vụ VN Pharma. Ảnh: VGP. |
Việc thẩm định được thực hiện theo đúng quy định, đúng trình tự, thủ tục, đúng quy chế hoạt động của tổ thẩm định. Vì vậy ngày 30/12/2013, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã cấp phép nhập khẩu số thuốc trên.
“Việc cấp phép hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái”, thông cáo của Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế cũng cho biết tài liệu do Công ty Cổ phần VN Pharma nộp kèm theo đơn hàng đầy đủ. Tuy nhiên giấy chứng nhận thuốc lưu hành tự do và giấy chứng nhận nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành đã được cơ quan điều tra xác định các tài liệu FSC, GMP được làm giả tinh vi, các chuyên gia về dược không thể phát hiện bằng mắt thường.
Không có thuốc H-Capita được bán ra thị trường
Khi xem xét giá thuốc kê khai của Công ty Cổ phần VN Pharma, Bộ Y tế nghi ngờ vì giá thuốc H-Capita kê khai và giá trúng thầu tại Hội đồng đấu thầu thuốc Sở Y tế TP.HCM thấp hơn các thuốc cùng loại được sản xuất từ các nước.
Vì vậy, ngày 31/7/2014, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã yêu cầu giám đốc Công ty VN Pharma giải trình.
Do xét thấy giải trình của VN Pharma chưa thỏa đáng, ngày 1/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có công văn yêu cầu công ty tạm ngừng, không tiếp tục nhập khẩu và lưu hành thuốc trên.
Bộ Y tế khẳng định Cục Quản lý Dược đã có quyết định không cho phép thuốc H-Capita bán ra thị trường và trong thực tế, không có một viên thuốc H-Capita nào trong lô thuốc nhập khẩu được bán ra.
Cục Quản lý Dược phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra
Bộ Y tế cho hay khi nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ, ngày 8/8/2014, Cục Quản lý Dược đã lập tức có công văn gửi Tổng Cục An ninh II (Bộ Công an) và các công văn gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, gửi Bộ Y tế Canada, gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đề nghị phối hợp để xác minh làm rõ các thông tin liên quan.
Ngày 13/8/2014, Cục Quản lý Dược tiếp tục mời đại diện tại Việt Nam của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada làm việc.
Cùng ngày, Cục Quản lý Dược thành lập đoàn kiểm tra và ngày 14/8 đã cử đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định pháp luật về nhập khẩu và kinh doanh thuốc tại Công ty Cổ phần VN Pharma với sự tham gia của Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Đoàn kiểm tra cũng đồng thời niêm phong toàn bộ số thuốc H-Capita (278.670 viên) có tại công ty và không cho lưu hành toàn bộ lô hàng nhập khẩu.
Ngày 17/9/2014, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công văn thông báo nội dung hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) là giả mạo, Bộ Y tế đã chuyển toàn bộ thông tin cho Tổng Cục An ninh II (Bộ Công an) để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng lĩnh 12 năm tù. Ảnh: Kỳ Hoa. |
Ngay trước khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của cơ quan công an, Cục Quản lý Dược đã mời ông Nguyễn Minh Hùng và ông Nguyễn Mạnh Cường ra làm việc tại Cục Quản lý Dược. Căn cứ vào dấu hiệu vi phạm, cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt tại chỗ.
Rút kinh nghiệm sâu sắc, luân chuyển lãnh đạo
Bộ Y tế thông tin trong quá tình cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án, bộ đã tích cực phối hợp để phục vụ tiến trình điều tra làm rõ hành vi sai trái và vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần VN Pharma và các đối tượng liên quan.
Trong quá trình trước và sau khi khởi tố, điều tra vụ án, các công chức của Cục Quản lý Dược đã chủ động đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra và tích cực phối hợp cung cấp tài liệu, ý kiến chuyên môn phục vụ điều tra nhằm đưa vụ gian lận xuất xứ hàng hóa, làm giả hồ sơ ra ánh sáng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xử lý hành chính và khắc phục theo kiến nghị của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều chỉnh các quy định đối với cấp phép nhập khẩu thuốc để tránh xảy ra tình trạng trên.
Cụ thể, Bộ xử lý hành chính, yêu cầu các đơn vị liên quan và chuyên gia thẩm định, báo cáo, giải trình, rút kinh nghiệm sâu sắc và thực hiện luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên phụ trách, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định.
Bộ Y tế khẳng định, với trách nhiệm của cơ quan quản lý dược, Bộ đã thực hiện cấp phép nhập khẩu thuốc theo đúng các quy định hiện hành; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để khởi tố vụ án và đưa ra xét xử; kịp thời niêm phong và ngăn chặn toàn bộ lô thuốc nhập khẩu kém chất lượng, không một viên thuốc nào lọt ra thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xử lý hành chính và khắc phục các kiến nghị của cơ quan điều tra.
Sau 5 ngày xét xử và nghị án, sáng 25/8, TAND TP.HCM tuyên án các bị cáo trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma.
HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng lĩnh 12 năm tù về tội Buôn lậu.
Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) bị phạt 4 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm tù cùng tội danh trên.
Với tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) bị phạt 2 năm tù treo, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) lĩnh 1 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) lĩnh 2 năm tù treo.