Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương trên cả nước.
Cuộc họp kết nối trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ đến 63 tỉnh thành, 705 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 9.043 xã phường trong cả nước.
3 nhóm địa phương thực hiện kiểm soát dịch
Thay mặt Ban Chỉ đạo, báo cáo về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 đến 4/9 tại 23 địa phương đã ghi nhận 169.703 ca mắc Covid-19.
Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với một tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng, TP.HCM tăng 9.835 ca (31%).
16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau.
Trong đó, 8 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên, Vĩnh Long, Khánh Hòa có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP.HCM ngày 26/8. Ảnh: Thuận Thắng. |
Về kết quả thực hiện tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế cho biết trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3979 và 3989 của Bộ Y tế ngày 18/8, hiện có 3 nhóm địa phương:
Nhóm 1 gồm 8 địa phương: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhóm 2 gồm 11 địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang: Cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.
Đẩy mạnh xét nghiệm “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng
Đánh giá về kết quả thực hiện phòng chống dịch vừa qua của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho thấy công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của nước ta.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, vì vậy, vẫn phải tiếp tục cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội và phải tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Về công tác y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin công tác xét nghiệm tiếp tục được đẩy mạnh, trong tuần, cả nước đã thực hiện xét nghiệm rRT-PCR cho 7.228.897 lượt người.
Tính đến ngày 4/9, cả nước đã thực hiện xét nghiệm rRT-PCR được 42.517.091 lượt người. Trong đó, từ 27/4 đến nay đã xét nghiệm rRT-PCR cho 38.990.152 lượt người.
Các địa phương đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Trong đó, Bình Dương đã xét nghiệm cho 4,5 triệu người; TP.HCM xét nghiệm nhanh cho hơn 3,3 triệu người; tại Đồng Nai là khoảng 2,6 triệu lượt người, tại Long An là hơn 1 triệu người.
Hạn chế tử vong tại tầng điều trị 3
Về công tác điều trị, giảm tử vong, ông Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam; điều động số lượng lớn nhân lực y tế với hơn 16.000 người (gồm gần 200 lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Y tế; trên 5.000 cán bộ y tế từ các bệnh viện, viện; gần 7.600 giảng viên, sinh viên từ các trường y dược, trên 2.000 cán bộ y tế địa phương các lực lượng y tế công an quân đội…).
Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Bộ Y tế cũng đã điều động, phân bổ và cấp xuất hàng nghìn trang thiết bị, máy thở, vật tư, thuốc cho các địa phương đang chống dịch. Từ ngày 27/4, kho vật tư, thiết bị y tế tại TP.HCM quản lý, cấp phát cho các địa phương 5.935 máy thở các loại, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu, 182 máy xét nghiệm rRT-PCR, 86 máy tách chiết, trên 10 triệu test nhanh, gần 2 triệu khẩu trang N95, gần 500.000 bộ trang phục phòng, chống dịch các loại. Phối hợp với các đơn vị tiếp nhận tài trợ các loại thuốc điều trị người bệnh Covid-19; 126 xe xét nghiệm lưu động và tiêm chủng lưu động…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với việc thiết lập và vận hành hiệu quả các trung tâm hồi sức (gồm 11 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tại phía Nam, riêng TP.HCM là 6 trung tâm) điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (hiện nay điều trị tích cực cho 6.491 trường hợp nặng) kết hợp với mở rộng và nâng cao năng lực các tầng điều trị, tăng cường hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến và triển khai điều trị tại nhà, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong, nhất là các trường hợp điều trị tại tầng 3.
Đến nay, cả nước đã tiêm được 21.523.792 liều vaccine, đạt gần 30% số người từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, 15.112.140 người tiêm 1 liều. Hơn 3.205.826 người tiêm đủ 2 liều vaccine.
“Đến 4/9, số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine tại Hà Nội là 3.026.125 liều, đạt 52,7%; TP.HCM 6.130.000 liều, đạt 88%”, Bộ trưởng Y tế cho biết.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.