Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã có thông báo về việc giao dịch cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) của người có liên quan đến cổ đông nội bộ.
Có thể thu về gần 600 tỷ đồng?
Cụ thể, người thực hiện giao dịch là ông Trần Báu, bố vợ ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB.
Với lý do giải quyết nhu cầu cá nhân, ông Báu đã đăng ký bán toàn bộ hơn 27,9 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,95% vốn nhà băng. Toàn bộ cổ phiếu của ông bố vợ chủ tịch VIB sẽ được đăng ký bán hết từ ngày 18/9 đến 17/10 tới thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu thực hiện giao dịch thành công, ông Báu sẽ không còn là cổ đông tại VIB. Hiện tại, cổ phiếu VIB được giao dịch quanh mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu. Cuối phiên chiều ngày 14/9, giá cổ phiếu VIB trên UPCoM là 21.900 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu trong khoảng thời gian thoái sạch vốn tại VIB, thị giá cổ phiếu nhà băng này vẫn duy trì quanh ngưỡng 21.000 đồng/cổ phiếu, bố vợ Chủ tịch VIB có thể thu về số tiền xấp xỉ 600 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài ông Trần Báu nắm giữ 4,95% vốn nhà băng, cá nhân Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cũng nắm giữ 28,16 triệu cổ phiếu VIB tương đương 4,99% vốn.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 diễn ra hồi đầu năm, VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 5.644 tỷ đồng lên 7.902 tỷ đồng. Phương thức tăng vốn điều lệ gồm 3,5% bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu, 36% bằng phát hành cổ phiếu tưởng từ thặng dư vốn và các quỹ, 0,4% bằng cổ phiếu ESOP từ nguồn lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, mới đây HĐQT nhà băng này lại có quyết định trình ĐHĐCĐ phê duyệt hủy phương án tăng vốn điều lệ như đã đề ra và mua lại cổ phiếu quỹ tối đa 10,1%. Nguồn vốn thực hiện, VIB dự kiến sẽ dùng quỹ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận để lại và các nguồn vốn hợp lệ khác.
Những ai đang là cổ đông lớn ở VIB?
Bố vợ ông Vỹ và những người thân khác bắt đầu năm giữ cổ phần tại VIB từ cuối năm 2014.
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, một cổ đông chỉ được sở hữu không vượt 5% vốn ngân hàng, cổ đông và người liên quan sở hữu không vượt 20% vốn ngân hàng.
Ông Đặng Khắc Vỹ khi đó sở hữu tới 13,6% vốn tại VIB và vợ là bà Trần Thị Thảo Hiền nắm 4,9% vốn, thuộc diện vi phạm vượt trần sở hữu cổ đông lớn và nhóm người liên quan tại VIB.
Cuối năm 2014, ông Vỹ và vợ đồng loạt bán bớt cổ phần tại VIB, trong đó, ông Vỹ giảm sở hữu về mức 4,99% và vợ ông về mức 0%. Tuy nhiên, vợ chồng vị Chủ tịch này bán ra thì gia đình nhà vợ ông Vỹ lại tích cực mua gom tới 10,21% vốn VIB.
Cụ thể, bố mẹ vợ ông Vỹ đã mua tổng cộng 41,85 triệu cổ phiếu, chiếm 9,85% vốn nhà băng khi đó. Chị dâu ông Vỹ, bà Lê Thị Huệ, cũng mua vào tới 4,98% vốn nhà băng. Đến cuối năm 2015, bà Lê Thị Huệ vẫn duy trì sở hữu 4,98% vốn ngân hàng VIB.
Trong năm 2015, ba người chị dâu khác của chủ tịch VIB (bà Nguyễn Thị Cúc, Đặng Thị Loan, Hoàng Thị Lịnh) đã bán toàn bộ 7,22% cổ phần VIB.
Năm 2016, cổ phần những người liên quan tới ông Vỹ đã được xé nhỏ cho 3 thành viên khác trong gia đình là ông Trần Báu (bố vợ) nắm 4,95% vốn, bà Nguyễn Thị Nhất Thảo (mẹ vợ) nắm 4,9% vốn và bà Lê Thị Huệ (chị dâu) sở hữu 4,98% vốn.
Hiện tại, VIB có duy nhất cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn điều lệ ngân hàng là cổ đông ngoại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) với tỷ lệ sở hữu 20% vốn.
Ngoài Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ nắm giữ 4,99% vốn thì ông Đỗ Xuân Hoàng, Thành viên HĐQT cũng sở hữu 4,99%. Bố ông Đỗ Xuân Hoàng là Đỗ Xuân Thụ nắm giữ 3,97%. Bà Đặng Thị Thu Hà, vợ ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch VIB, sở hữu 3,46%.