Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bỏ việc lương cao, kiến trúc sư bán bánh chưng giữ gìn truyền thống

Khách muốn mua bánh chưng "tinh hoa Tây Bắc" phải đặt hàng trước một tuần, bánh sẽ được giao với giá gấp đôi bánh bán ngoài chợ nhưng vẫn không đủ giao cho khách.

Nhiều khách Hà Nội mỗi tháng đến dịp cúng kiếng hoặc thèm hơi thở Tây Bắc phả trong hương vị nếp, thịt heo thì lại tìm đến thương hiệu bánh chưng Bà Kiều. Gọi Bà Kiều không phải vì bà là người truyền nghề cho thương hiệu mà vì chiếc bánh chưng 30 năm tuổi được chính bàn tay bà cụ 80 xuân gói từ nguyên liệu nếp, thịt heo mán và lá dong rừng.

Cái duyên gìn giữ tinh hoa Việt

Ngoài 80 tuổi, bà Trần Thị Kiều - người đứng sau thương hiệu bánh chưng truyền thống, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh hệt như tứ tuần. Khách muốn mua bánh phải đặt hàng trước một tuần để bà nấu và gói. Với giá gấp đôi bánh bán ngoài chợ nhưng cơ sở bánh chưng hiện tại vẫn không đủ hàng giao cho khách.

Thương hiệu bà Kiều có lẽ sẽ không xuất hiện trên thị trường, nếu không nhờ “duyên nợ” với một chàng trai - người bỏ nghề kiến trúc để về xây dựng một thương hiệu mang dáng dấp của bà ngoại vợ, anh Đặng Ngọc Anh - cháu rể của bà Kiều.

Khoi nghiep banh chung anh 1
Chiếc bánh chưng vuông vức được gói từ bàn tay của cụ bà 80 tuổi ở Điện Biên. Bánh có giá từ 60.000-80.000 đồng/chiếc tại Hà Nội.   Ảnh: NVCC.

Anh Đặng Ngọc Anh kể lại, thuở anh còn bé, ông nội anh rất thích gói bánh chưng nhưng con cái trong nhà thì không ai thích vì công việc này rất mệt, đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp… Khi ông mất, hầu như cả nhà không còn gói bánh như thông lệ.

“Duyên nợ thay khi lên Điện Biên hỏi vợ thì nhà vợ lại có truyền thống gói bánh này. Lúc ấy chỉ nghĩ chắc là cơ duyên”, Ngọc Anh nói.

Ban đầu gia đình bà Kiều chỉ làm với số lượng ít vài chục cái bán cho người quen, nhưng vì bánh ngon và nguồn nguyên liệu sạch cộng thêm công thức riêng nên nhiều người thích loại bánh chưng của bà. Thấy được đam mê và tâm huyết ở cái tuổi gần đất xa trời, anh Ngọc Anh quyết định từ bỏ công việc kiến trúc và mạo hiểm làm một thương hiệu bánh chưng lấy tên bà, nhằm gìn giữ truyền thống gia đình.

“Thời điểm mới tốt nghiệp trường Kiến trúc, tôi cũng kiếm được 15-20 triệu mỗi tháng, không phải là quá nhiều nhưng đã là khá so với một sinh viên mới ra trường… Cuộc đời tôi không bao giờ nghĩ sẽ trở thành "con buôn". Thế nhưng suy nghĩ ấy đã thay đổi khi tôi có cơ duyên trở thành cháu rể của bà, của vùng đất Tây Bắc - Điện Biên. Năm nay bà cũng 80 rồi, ở tuổi gần đất xa trời nên coi như tôi giúp bà đem tâm huyết này đến với mọi người”, anh Ngọc Anh nói.

Khoi nghiep banh chung anh 2
Bà Trần Thị Kiều đã 80 tuổi nhưng vẫn rất đam mê với nghề làm bánh chưng. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về điểm đặc biệt của chiếc bánh chưng, anh Ngọc Anh cho biết, tất cả nguyên liệu đều được gom góp, chế biến tại vùng đất Điện Biên. Gạo nếp nương do chính tay bà Kiều lựa chọn, trước khi gói, ngâm với nước cốt lá riềng giã nhuyễn theo công thức bí truyền để tạo cho vỏ bánh có màu xanh mượt như cốm và thơm mùi nếp mới. Hiện tại, chỉ có bà và các dì (2 con gái bà) được biết công thức ấy. Thịt heo chọn cũng phải là loại heo mán được người dân tộc nuôi thả tại bản. Bánh chưng được gói bằng lá dong rừng khiến chiếc bánh khi luộc xong đượm vị thơm.

“Công đoạn gói bánh là quan trọng nhất. Sau khâu chuẩn bị nguyên liệu, hầu như gói bánh chỉ có bà và 2 cô con gái gói chính để tạo ra một chiếc bánh chưng vuông vức”, anh Ngọc Anh nói.

Sau khi mẻ bánh đầu tiên ra lò với 200 cái được khách mua chỉ trong một ngày, đợt bánh sau, gia đình bà Kiều đã tăng lên gấp 4 lần và hiện tại là 2.000 chiếc bánh trong một lần bán.

“Bánh chỉ bán vào 2 đợt của tháng là mùng 1 và ngày 15 giữa tháng. Khách muốn mua bánh phải đặt hàng trước một tuần, sau đó giao trong vòng 3 ngày. Loại bánh này có thể bảo quản trong tủ mát được 1 tuần mà nếp vẫn đủ dẻo thơm. Khi nào muốn ăn cứ mang ra hấp lại”, anh Ngọc Anh cho biết thêm.

Mở rộng kinh doanh, chất lượng có đảm bảo không?

Chỉ mở bán 2 đợt trong tháng, bánh chưng của bà Kiều vẫn được khách đặt hàng “nhiệt tình”. Tuy nhiên vì tuổi cao và sức khỏe vẫn không thể dẻo dai như thuở son trẻ nên bà Kiều chỉ gói tầm vài trăm chiếc bánh mỗi lần, còn lại là con cháu.

Đứng trước những lời gợi ý của khách hàng về việc mở rộng quy mô, anh Đặng Ngọc Anh có rất nhiều trăn trở.

Anh cho biết nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến loại bánh của bà nên việc mở rộng quy mô sản xuất là một điều thiết yếu. Nhưng khó khăn lớn nhất khi ai nhìn vào cũng hỏi là “mở rộng kinh doanh thì chất lượng có đảm bảo hay không?”.

Bản thân anh luôn quan niệm, khách hàng dù là bình dân hay cao cấp sẽ luôn yêu thích và gắn bó với một sản phẩm truyền thống đích thực. Khách sẽ luôn được hưởng giá trị thật với một mức chi phí hợp lý chứ không phải chạy đua theo thứ "gia truyền fake" được đội lốt dưới một vỏ bọc PR - marketing hoàn hảo...

Ngọc Anh nói: “Hiện tại, xưởng bánh ở Điện Biên cũng có khá nhiều nhân công theo học việc. Sau khi làm những công việc đơn giản như chuẩn bị nguyên liệu thì thợ làm bánh sẽ được dạy trong vòng 6 tháng thậm chí là 1 năm. Khi cứng tay rồi mới bắt đầu cho vào công đoạn gói bánh, công đoạn công phu nhất để đảm bảo thương hiệu và chất lượng của sản phẩm”.

Duy chỉ có công đoạn tạo hình cho bánh - cũng là công đoạn làm nên chiếc bánh đặc trưng của thương hiệu, thì hiện tại chỉ có 3 người nắm. Ngoài bà Kiều, 2 cô con gái của bà cũng là người được truyền tay nghề để nối nghiệp.

Ngoài ra, anh Ngọc Anh cho biết về mức giá hiện tại của mỗi chiếc bánh chưng đã gấp đôi so với những sản phẩm ngoài chợ hoặc ở những thương hiệu khác: Một chiếc bánh 800g là 60.000 đồng, 1 – 1,1kg có giá 80.000 đồng. Nhưng tính giá thành thực thì nguyên liệu để làm ra chiếc bánh đã đắt đỏ. Đặc thù của chiếc bánh chưng là sản phẩm mang giá trị tinh thần nhiều hơn và phải gói bằng nhiều công đoạn tỉ mỉ nên không thể rẻ và cũng không thể quá đắt.

“Bản thân chiếc bánh giản dị, mộc mạc, cớ sao phải tô vẽ đủ thứ lằng nhằng lên rồi đẩy giá bán cao chót vót để ăn lãi?”, anh Ngọc Anh khẳng định.

Và hơn cả, vì đây chính là tâm nguyện của bà nên anh không thể làm ngược lại.

“Khi tôi trình bày ý tưởng sẽ tạo nên một thương hiệu bánh chưng mang tên bà, để lưu truyền nghề gia đình, bà tôi rất vui và ủng hộ. Bà dặn tôi làm gì cũng phải trung thực, đừng thổi phồng thái quá xong bán giá cắt cổ để ăn lãi là không được. Chiếc bánh chưng vốn giản dị và mộc mạc nên hãy để nó mãi mộc mạc như thế”, anh Đặng Ngọc Anh khẳng định.

Chia sẻ về loại bánh này, chị Hoàng Hoa (đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đợt mùng 1 (âm lịch) vừa rồi chị đặt 6 chiếc bánh chưng Bà Kiều. Điều làm chị thấy thích ở chiếc bánh chưng này là cách gói bánh vuông đều, vỏ bánh (nếp) có màu xanh đẹp mắt nhưng không sử dụng phẩm màu nên nhà chị rất an tâm.

“Tất nhiên, giá cả đi đôi với chất lượng. Bánh thì không phải chê rồi, từ vỏ bánh cho đến nhân đều ăn rất ngon”, chị Hoàng Hoa nói.



Thái Nguyễn

Bạn có thể quan tâm