Tháng 4, giá nhà, đất rao bán ở TP.HCM liên tục “nhảy múa”. So với năm 2016, giá đất ở các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, quận 12… đã tăng đến 150%-350%.
Người người làm cò đất
Trên nhiều con đường ở vùng ven, người dân đứng rao bán nhà đất, mỗi trụ điện đều dán các bảng thông báo bán nhà.
Trong vai người đi mua nhà, trưa 27/4, chúng tôi đến xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh hỏi thăm. Thấy có người lạ đứng xem bảng quảng cáo môi giới bất động sản, hàng loạt người đang dựng xe ngồi chờ ở ngã ba Võ Văn Vân - Liên Ấp 123 liền chạy tới. “Em hỏi mua nhà đúng không? Qua bãi đất trống bên Trường Tiểu học Lại Hùng Cường, mọi người tư vấn cho”, một phụ nữ trong nhóm lên tiếng.
Nhiều người làm “cò” đất để kiếm thêm thu nhập ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM
|
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bàn nhựa, ghế nhựa bày ra đường, mỗi nơi có một cò đất đứng sẵn. Tại một quán nước giải khát cạnh trường học, ông Võ Ngọc Long (34 tuổi) giới thiệu: “Anh là người môi giới đất ở ấp 2, chị Hoa kế bên môi giới ấp 1 còn chị Liên, anh Hùng bên tay phải là môi giới đất nền ở xã Vĩnh Lộc A. Em muốn mua khu nào, giá bao nhiêu, tụi anh “bao” được hết”.
Chúng tôi ngỏ ý cần một căn nhà giá khoảng 950 triệu đồng, diện tích đủ cho 2 vợ chồng trẻ và một đứa con sinh sống. Lập tức, một phụ nữ tên Hoa cho hay cách đó hơn 900 m có một căn nhà, giá có thể thương lượng giảm một chút.
Bà Hoa lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy cấp số nhà do Phòng Quản lý Đô thị huyện Bình Chánh ban hành cho chúng tôi xem. Trong giấy tờ này không có bảng vẽ chi tiết căn nhà, không giấy phép xây dựng và nhà thuộc sổ chung, mua bán giấy tay.
Chúng tôi lắc đầu, phân bua do pháp lý không rõ ràng. Bà Hoa kéo vai chúng tôi, giải thích: “Thật tình tụi chị là nông dân, nhân lúc rảnh việc làm thêm chứ không lừa gạt đâu. Do gần đây, giá đất sốt quá nên chị tranh thủ làm thêm kiếm tiền. Chị sống ở đây từ nhỏ đến giờ. Có gì em đến đây nếu chị bán nhà không như cam kết”.
Tiếp lời bà Hoa, ông Long kể từ tháng 3 đến nay, giá đất tăng liên tục. Mỗi ngày, hàng chục người đã đến xã Vĩnh Lộc B mua đầu cơ. “Nếu em lưỡng lự, vài ngày tới, căn nhà từ 950 triệu đồng có thể lên 1,2-1,3 tỷ đồng”, ông quả quyết.
Để tạo sự tin tưởng, ông Long đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép danh sách hơn 40 người đến mua đất. Trong đó, có một mảnh đất nằm trong đường 1A, xã Vĩnh Lộc B liên tục được chỉnh sửa giá. Cụ thể, ngày 24/3 là 700 triệu đồng, đến ngày 1/4 lên 900 triệu đồng, ngày 15/4 là 980 triệu đồng và hiện nay là 1 tỷ đồng.
Ngày 28/4, trên đường Liên Ấp 123, bà L.T.P (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) mắc võng cho con trai 6 tuổi nằm ngủ, còn bà ngồi thái rau muống, phía trước mặt là một bảng hiệu chi chít khổ giấy A4 với nội dung rao bán nhà.
Bà P. giới thiệu mình làm môi giới đất. Công việc chính của bà là nuôi heo nái, buổi trưa rảnh ra đường nhận ký gửi đất và rao bán đất vườn nhằm kiếm thêm tiền.
“Chữ nghĩa, giấy tờ tôi không rành lắm nhưng mới 3 tháng đã bán được 2 căn nhà, 3 miếng đất nền, được chi hoa hồng 50 triệu đồng. Tiền này hơn cả việc nuôi heo một năm... Dân ở đây giờ bỏ việc làm để ra đường đứng làm môi giới”, bà P. khoe.
Rầm rộ lấp đất vườn phân lô
Tình trạng phân lô, tách thửa, lấp đất nông nghiệp để “hóa phép” làm đất thổ cư ở vùng ven đang diễn ra rầm rộ trong khi cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng. Từ ngày 27 đến 29/4, máy xúc, máy ủi được huy động đến nhiều khu đất trồng rau ở các xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A và Bình Hưng (huyện Bình Chánh); phường Thạnh Xuân (quận 12) để lấp đất, xây dựng trụ điện.
Cò đất Khang, một tay môi giới nổi tiếng ở khu vực huyện Bình Chánh, tiết lộ: "Giờ giá đất lên cao nên tranh thủ lấp đất trống phân lô để bán. Mấy ông quản lý cũng 'lơ' nên tụi anh dễ thở hơn”.
Theo ông Khang, nếu theo tiến độ hiện nay, khả năng vào tháng 7, hàng loạt lô đất diện tích chừng 30-50 m2 sẽ được phân lô với giá từ 500-800 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cảnh báo nhà, đất ở TP.HCM đang bị đẩy giá. Nguyên nhân là do một số thông tin triển khai dự án ở Củ Chi và xuất hiện một nhóm đứng ra đầu cơ đất nền.
Vào năm 2007 và 2010, TP.HCM đã xảy ra “bong bóng” bất động sản khiến nhiều người đổ nợ. Theo ông, người dân cần tỉnh táo để tránh mua nhà, đất với giá ảo.
Tăng cường kiểm soát nhà không phép
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định việc giá đất tăng chóng mặt phụ thuộc vào tính chất thị tường. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là chỉ có thể hỗ trợ, quản lý, bảo đảm tình hình xây dựng được ổn định. Giải pháp đưa ra của sở là sẽ đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cũng như tăng cường kiểm soát nhà không phép.