1. LG Enact
Đầu tiên phải kể đến chú dế Enact của tập đoàn LG đến từ xứ sở Kim Chi. Enact được coi là một trong những thiết bị sở hữu bàn phím cứng ra mắt đầu tiên trong năm vừa qua. Về cấu hình, LG Enact chỉ là một smartphone tầm trung, với vi xử lý lõi kép Qualcomm tốc độ 1,2 Ghz cùng màn hình 4 inch, cho độ phân giải WVGA 480x800 pixel. Bên cạnh thiết kế bàn phím QWERTY trượt, điểm ấn tượng nhất về LG Enact là pin dung lượng cao với 2.460 mAh, có thể đàm thoại liên tục trong 11 giờ đồng hồ.
Kèm theo đó, Enact được trang bị cả hai camera với độ phân giải lần lượt là VGA và 5 megapixel, trong khi bộ nhớ trong là 8 GB có hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD. Ngoài ra, smartphone Android bàn phím trượt của LG còn được cài đặt sẵn các phần mềm độc quyền của hãng này, bao gồm VuTalk, Quick Translator, QSlide 2.0, QuickMemo và Smart Screen.
2. Motorola Droid 4
Smartphone Droid 4 cũng là thiết bị sở hữu bàn phím QWERTY đáng để người dùng tham khảo. Droid 4 gợi nhớ đến Droid Razr và Razr Maxx của Motorola với cùng 1 kiểu màn hình, góc cạnh và thiết kế mặt lưng. Điểm khác biệt duy nhất là thiết bị sở hữu bàn phím QWERTY với đèn nền đặc trưng của dòng Droid.
Với thiết kế bàn phím thành 5 hàng truyền thống, smartphone này mang lại cảm giác gõ phím QWERTY rất thoải mái, khi từng phím bấm được thiết kế có độ đàn hồi khá tốt cùng khoảng cách hợp lý giữa các phím, nhằm giảm khả năng bấm nhầm.
Droid 4 cũng sở hữu camera trước, trong khi camera sau có độ phân giải 8 megapixel hỗ trợ quay phim 1080p. Đặc biệt hơn, smartphone này hỗ trợ mã hóa FIPS 140-2 cùng phụ kiện Webtop độc đáo với thiết kế y hệt laptop. Tuy nhiên, nhược điểm của Droid 4 là vi xử lý Texas Instrument đã lỗi thời, kèm theo Android Ice Cream Sandwich có phần lạc hậu. Chính vì thế, smartphone này phù hợp với những người dùng hoài cổ và là fan trung thành của Motorola hơn là người dùng phổ thông.
3. Motorola Photon Q 4G LTE
Đương nhiên trong danh sách smartphone sở hữu bàn phím QWERTY tuyệt vời nhất không thể thiếu Photon Q 4G. Smartphone này được coi là bản nâng cấp sáng giá từ Droid 4, với màn hình 4,3 inch và hoạt động trên nền Android 4.1. Tuy nhiên, Photon lại mắc phải nhược điểm bộ nhớ trong 8 GB, chỉ bằng một nửa so với người anh em Droid 4.
Về thiết kế, Photon Q 4G LTE không khác nhiều so với người anh trai Photon 4G. Dẫu vậy, bàn phím trượt QWERTY của smartphone này vẫn rất "bá đạo", với 5 hàng phím bấm cho độ phản hồi khá tốt. Ngoài ra, các phím bấm cũng được bố trí rất thoáng, tạo nhiều thuận tiện khi sử dụng. Mặc dù không thể so sánh với bàn phím QWERTY của BlackBerry, nhưng bàn phím của Photon Q vẫn đem lại trải nghiệm gõ khá tốt và dễ chịu.
Điểm đáng thất vọng trên smartphone này chính là pin không thể tháo rời. Chỉ với dung lượng 1.785 mAh, việc bổ sung thêm pin dự trữ cho Photon Q là cần thiết. Đây cũng là điểm đáng lưu ý đối với khách hàng khi chọn và sử dụng smartphone hoài cổ này.
4. LG Mach
Sở hữu bàn phím QWERTY được đánh giá là có thiết kế đẹp nhất trong danh sách kể trên, LG Mach có phần nổi trội hơn so với những thiết bị còn lại. Thêm vào đó, chất lượng gia công của Mach là rất tốt, với cơ cấu trượt êm ái nhưng chắc chắn và chất liệu tốt. Màn hình 4 inch của chiếc điện thoại này dù hơi nhỏ với tiêu chuẩn bây giờ, nhưng lại giúp cầm nắm dễ dàng hơn.
Bàn phím QWERTY của Mach được bố trí thành 5 hàng. Nhìn chung, đây là một bàn phím dễ sử dụng và có thể giúp ta nhập liệu nhanh chóng, chính xác, tuy nhiên chưa đạt được chất lượng như Photon Q của Motorola.
Cấu hình của LG Mach tương đối ấn tượng trong danh sách này. LG Mach được vận hành bởi vi xử lý Snapdragon S4 Plus MSM8960 xung nhịp 1,2 Ghz, cùng 1 GB RAM và 8 GB bộ nhớ trong có thể mở rộng bằng thẻ microSD. Dù chỉ có xung nhịp tối đa 1,2 Ghz, nhưng con chip S4 Plus vẫn cho hiệu năng mạnh mẽ giúp vận hành cực kì trơn tru ở những tác vụ thường ngày. Chính vì thế, dù được ra mắt cách đây hơn một năm, nhưng Mach vẫn là một lựa chọn đúng đắn cho các tín đồ QWERTY.