Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 10/7, đại tá Lê Xuân Thế cho biết vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Bộ Tư lệnh thành phố làm giám đốc quản lý các khu cách ly tập trung ở các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Bộ Tư lệnh đã huy động 10.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ trong khu cách ly. Theo ông Thế, với lực lượng được giao hiện nay, mỗi người phải phục vụ cho 20 người, với nhiều nhiệm vụ như bảo vệ, an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động người dân, phục vụ cơm nước, nhu yếu phẩm hàng ngày, nhận quà của người thân gửi vào cho người cách ly.
"Với lực lượng mỏng như vậy, cường độ làm việc của anh em dân quân, cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân viên y tế rất căng. Đặc biệt, đợt dịch này với virus chủng Delta càng nguy hiểm hơn. Nguy cơ lây bệnh trong khu cách ly với lực lượng này rất lớn", ông Thế chia sẻ.
Đại tá Lê Xuân Thế, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Đại diện Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết đã ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động trong khu cách ly để đảm bảo sinh hoạt cơ bản cho người dân. Ông Lê Xuân Thế thừa nhận một số khiếm khuyết xảy ra thời gian qua như rác thải chậm thu gom tại khu cách ly ở quận 8 hay phòng ở tại khu cách ly quận 2 cũ chưa đảm bảo. Tuy nhiên, ông mong báo chí, người dân chia sẻ với lực lượng phòng, chống dịch tại khu cách ly.
"Người dân vào khu cách ly số lượng lớn, phải phân luồng nguy cơ cao, nguy cơ thấp do sở y tế quy định, rồi đưa vào khu cách ly. Tất nhiên, không tránh khỏi nhiều vấn đề. Nhưng không phải chúng tôi mong muốn như thế", ông Thế bộc bạch và mong nhận được sự sẻ chia vì lực lượng đã "căng kéo hết mình".
Tại họp báo, khi phóng viên đặt câu hỏi về nguy cơ lây nhiễm của cán bộ làm nhiệm vụ, đại tá Lê Xuân Thế thừa nhận có xảy ra tình trạng này.
"Vi khuẩn Delta này nguy hiểm hơn virus trước đây, giờ lơ lửng trong không khí nên khả năng lây nhiễm rất cao nếu quản lý không tốt. Tất nhiên vẫn có nguy cơ và thực tế đã có lây nhiễm với người làm việc chúng tôi, còn số lượng bao nhiêu thì tôi xin phép không trả lời. Thậm chí, lực lượng y tế cũng đã có xảy ra", ông Thế chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP.HCM, quy định cách ly là 2 người/phòng và có một toilet chung, được phân luồng theo nguy cơ cao hoặc thấp. Đơn vị đã phân nhóm 5 cán bộ, chiến sĩ thành một tổ làm việc ở chung phòng, làm nhiệm vụ ở một khu vực nhất định. Trong trường hợp không may xảy ra lây nhiễm chéo, ngành chức năng cũng cơ bản khoanh vùng được 5 người này, không ảnh hưởng đến các chiến sĩ khác.
Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ được tập huấn để sử dụng đồ bảo hộ, khẩu trang, sát khuẩn đúng quy chuẩn của ngành y tế.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định đơn vị có đủ khả năng xử lý rác thải khu cách ly. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Thông tin tại họp báo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết các khu cách ly tại TP.HCM hiện thải ra khoảng 42 tấn rác/ngày. Sở đã bố trí 40 phương tiện và huy động 200 công nhân để thực hiện thu gom số rác thải này. Toàn bộ công nhân đều đã được tiêm một mũi vaccine.
Tùy theo khối lượng chất thải phát sinh tại từng khu vực, ngành môi trường sẽ đến thu gom rác 1-3 lần/ngày.
Ông Thắng khẳng định ngành môi trường có khả năng thu gom, xử lý đến 100 tấn rác thải y tế/ngày. Thành phố hiện đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản khi lượng chất thải tại bệnh viện điều trị và khu cách ly tăng.
Trước đó, ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ ngày 27/4 đến tối 10/7, TP.HCM ghi nhận 11.415 ca mắc Covid-19, đang là ổ dịch lớn nhất trên cả nước.