- Chất lượng vắc xin Quinvaxem thật sự thế nào? Tại sao người dân phải chầu chực chờ từng suất vắc xin dịch vụ cho con em mình? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích:
- Nếu so sánh Quinvaxem với vắc xin dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 về công nghệ sản xuất thì Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) gây nhiều phản ứng nhẹ hơn vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn).
Khi dùng vắc xin toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho hoặc biểu hiện lặt vặt khác vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn vắc xin dịch vụ.
Chưa kể, Quinvaxem có ưu điểm là có thành phần ho gà toàn tế bào nên tính kháng nguyên cao hơn vắc xin dịch vụ, vì vậy có khả năng bảo vệ cao hơn. Vắc xin dịch vụ làm từ công nghệ vô bào nên khả năng bảo vệ yếu hơn do tính miễn dịch suy giảm theo thời gian, phải tiêm nhắc lại. Đây là lý do một số nước quay lại sử dụng vắc xin toàn tế bào.
Người dân tiêm văcxin 5 trong 1 cho con tại Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM. |
- Nếu như vậy vì sao đa số các nước tiên tiến trên thế giới người ta đều sử dụng vắc xin có thành phần vô bào chứ không phải vắc xin toàn tế bào như Quinvaxem?
- Bởi vì các nước ấy sản xuất theo công nghệ vô bào ở châu Âu. Khi sản xuất, doanh nghiệp phải tiếp thị và giá vắc xin của họ đắt hơn rất nhiều.
Các bạn cứ bảo tại sao Bộ Y tế không quy hoạch, không xây dựng chiến lược cung ứng vắc xin dịch vụ. Bộ Y tế chỉ có nhiệm vụ lo cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Còn vắc xin dịch vụ là do người dân có nhu cầu, đó là phân khúc thị trường.
Doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối vắc xin dịch vụ dựa theo nhu cầu thị trường để nhập về phục vụ cho người dân.
- Bộ trưởng lý giải thế nào về một số trường hợp tai biến nặng, thậm chí tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem vừa qua?
- Nếu không tiêm vắc xin Quinvaxem để phòng bệnh thì sẽ có hàng trăm ngàn trẻ em bị mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib. Trong số mắc bệnh đó sẽ có ít nhất hàng trăm trẻ tử vong.
Còn nếu tiêm dù là vắc xin nào đi nữa cũng khó tránh khỏi một tỷ lệ rất nhỏ tử vong do phản ứng sau tiêm vắc xin (khoảng 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp tiêm).
Ngay cả khi không tiêm vắc xin, mỗi ngày cả nước cũng có 30-50 trẻ tử vong vì nhiều nguyên nhân.
Do vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận để tạo miễn dịch lớn ở một cộng đồng dù biết rằng có tai biến.
Có ba nguyên nhân có thể dẫn đến phản ứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ sau tiêm chủng nói chung và sau tiêm Quinvaxem nói riêng. Một là sốc phản vệ, xác suất sự cố không may này rơi vào ai thì phải chịu. Hai là sốc phản vệ có thể cứu được nhưng mình không thể cứu được do ở vùng sâu vùng xa, điều kiện y tế còn hạn chế. Ba là trẻ đang bị mắc một bệnh trùng lắp nào đó như tim bẩm sinh, rối loạn miễn dịch, bệnh di truyền...
Thế nhưng khi có một ca tai biến, các báo chạy tít ầm ầm và người dân nhiều khi chỉ đọc thấy cái tít chết sau tiêm vắc xin là sợ rồi. Người dân nghĩ rằng tiêm Quinvaxem là chết nên quay sang tiêm vắc xin dịch vụ.
Tôi rất mong người dân chia sẻ không chỉ vắc xin mà kể cả uống thuốc, dù an toàn đến mấy khi sử dụng cũng có khi gây ra tai biến không mong muốn.
- Nhiều nước đưa vắc xin có thành phần ho gà vô bào vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với giá khoảng 7-10 USD/liều. Trong khi đó, giá nhập loại vắc xin này vào VN lên đến 27-28 USD/liều. Bộ Y tế có tính đến việc thay Quinvaxem bằng loại vắc xin khác?
- Năm 2014, chúng tôi đã bàn đến việc thay Quinvaxem nhưng làm không nổi. Bản thân tôi đã sang Genève (Thụy Sĩ) mấy lần, làm việc với các chuyên gia Viện Nhi nhưng cuối cùng chưa thể thay được vì nhiều lý do.
Các chuyên gia độc lập, chuyên gia của WHO cho rằng nếu thay vắc xin dịch vụ (loại 5 trong 1) đối với một đất nước có đông trẻ em như Việt Nam phải cân nhắc. Thay thế vắc xin Quinvaxem bằng vắc xin dịch vụ rất khó do tiền mua vắc xin dịch vụ cao gấp mấy lần Quinvaxem.
Sở dĩ Bộ Y tế không thay vắc xin Quinvaxem là do nếu thay bằng vắc xin dịch vụ thì dịch ho gà có nguy cơ quay trở lại vì hiệu quả bảo vệ của vắc xin vô bào không bằng Quinvaxem.
Ngoài ra, khi tiêm chủng vắc xin dịch vụ với số lượng lớn thì nguy cơ tai biến và tử vong sau tiêm cũng sẽ như tiêm Quinvaxem chứ không kém hơn. Khi đó lại đổ cho vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Bộ Y tế giải thích thế nào được với dân?
Hơn nữa, chưa chắc khi chuyển sang vắc xin vô bào mà nhà sản xuất chịu bán. Bây giờ mua với giá như vậy mà họ còn chưa đủ vắc xin để bán.
- Chỉ còn ba năm nữa Tổ chức Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) sẽ không hỗ trợ vắc xin Quinvaxem cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam. Bộ Y tế sẽ sử dụng vắc xin nào thay thế?
- Bộ Y tế đã bàn về việc này nhưng không phải dễ. Chúng ta đang cố gắng tìm kiếm công nghệ để sản xuất vắc xin thay thế Quinvaxem.
Vẫn nên duy trì hai hệ thống tiêm chủng
- Ông Nguyễn Văn Tiên (Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Trong tương lai gần, tôi cho rằng vẫn nên duy trì hai hệ thống tiêm chủng là mở rộng và dịch vụ, cho đến khi nào chúng ta đủ sức, đủ nguồn tài chính thay thế loại vắc xin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng bằng loại vắc xin thế hệ mới hơn.
Cả thế giới chỉ có một số nhà sản xuất có loại vắc xin mà Việt Nam đang dùng trong tiêm dịch vụ, vì thế Bộ Y tế phải tìm biện pháp đánh giá sớm được nhu cầu tiêm chủng dịch vụ và đặt hàng các nhà sản xuất từ trước mỗi 1-2 năm, để có đủ vắc xin dịch vụ đáp ứng cho 10-15% gia đình có con trong độ tuổi có nhu cầu sử dụng loại vắc xin này.
Với phần lớn người dân còn nghèo, họ không thể trả phí nếu tiêm chủng triển khai dịch vụ theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nên có sự đánh giá khoa học, độc lập
- Bác sĩ Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng):
- Theo tôi, còn có sự chưa rõ ràng về lý do tử vong ở trẻ sau tiêm vắc xin quinvaxem trong dư luận xã hội và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân quay lưng lại với vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đổ xô sang vắc xin dịch vụ, tạo nên tình trạng “khủng hoảng” vắc xin gần đây. Vì vậy, cần có sự đánh giá khoa học, độc lập để giải tỏa tâm lý nghi ngờ này.
Cần làm sáng tỏ với công luận là liệu vắc xin quinvaxem hoàn toàn vô can trong các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin? Nếu đã có đủ cơ sở, đề nghị minh bạch tiến trình thực hiện điều tra đánh giá đó. Trước mắt, nên thiết lập một ủy ban độc lập để xem xét vấn đề này.
- Theo ông, Quinvaxem có thật sự tốt đến mức không thể thay thế hay vì chúng ta không có tiền để giải bài toán tìm một loại vắc xin khác trước khi có vắc xin trong nước tự sản xuất?
- Thế giới đã tồn tại thị trường vắc xin và hàng trăm triệu trẻ em được tiêm chủng hằng năm trên thế giới. Độ an toàn của vắc xin chắc chắn đã được kiểm chứng không chỉ ở phòng thí nghiệm mà cả thực tế sử dụng. Loại nào an toàn hơn, loại nào không gây tử vong cho trẻ chắc chắn đã có câu trả lời.
Đó là hãy nhìn các nước đang dùng vắc xin gì, tại sao họ lại dùng vắc xin đó? Pentaxim hay infarix ở đâu tiêm? Quinvaxem ở đâu tiêm? Trẻ em tử vong liên quan đến loại vắc xin nào?...
Về lâu dài, tôi cho rằng cần phải xem lại cách tổ chức loại hình dịch vụ tiêm chủng cơ bản cho trẻ em. Vấn đề có căn nguyên từ việc tổ chức hệ thống tiêm chủng, tồn tại tình trạng lẫn lộn công - tư, đi kèm với hệ thống giám sát đánh giá quản lý chất lượng chưa được tổ chức theo nguyên tắc đảm bảo khách quan, khoa học.
Do đó, cần nghiên cứu đánh giá lại hệ thống, xây dựng lại mô hình cấu trúc và mô hình chức năng thực hiện y tế dự phòng nói chung và tiêm chủng nói riêng.
Điều tiên quyết là hệ thống phải được thiết kế khoa học, xuất phát từ thực tế. Tiếp đến là cơ chế quản lý hệ thống phải theo kịp các nguyên lý quản lý hiện đại, có sự giám sát qua lại giữa các thành phần với chức năng rõ ràng cho mỗi bên, tránh độc quyền.