Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Y tế: ‘Phải có kịch bản ứng phó với tình huống xấu hơn'

Đề cập việc một số địa phương chưa phát huy hết khả năng ứng phó, Bộ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực cho việc phân loại, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tại hội nghị trực tuyến tập huấn công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 sáng 2/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch ở TP.HCM và các phía nam vẫn diễn biến phức tạp. Đoàn công tác của Bộ Y tế đã ở đây ngày thứ 5 vì có rất nhiều việc phải triển khai.

Đợt dịch thứ 4 có sự lây lan, diễn biến rất nhanh, trên địa bàn rộng nhưng theo ông Long, một số địa bàn chưa tính đến khả năng ứng phó. Chỉ trong thời gian ngắn, số ca nhiễm tăng rất cao. Điều này khiến một số địa phương chưa sẵn sàng phòng chống, xây dựng kịch bản phù hợp.

Tìm kiếm thuốc có hiệu quả điều trị Covid-19

Bộ trưởng Y tế nhắc lại việc chủng virus Delta lây lan nhanh, mạnh, khó kiểm soát và còn kéo dài. Do đó, các địa phương phải chuẩn bị cho một trận chiến nhanh hơn, mạnh hơn và bền bỉ hơn.

Thực tế, một số địa phương không phát huy hết khả năng ứng phó về sản xuất kinh tế, an sinh, an toàn xã hội, chuyên môn y tế về xét nghiệm và điều trị. Các tỉnh, thành phố cần quan tâm về năng lực ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ để công tác chăm sóc, điều trị bài bản, không bị bỡ ngỡ.

Một số địa phương trông cậy nhiều vào hệ thống y tế sẵn có nhưng với diễn biến hiện nay, năng lực này không thể đáp ứng nếu số ca nhiễm tăng cao. Do đó, các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị từ việc tiếp nhận, quản lý F0 không triệu chứng và cả điều trị ca có triệu chứng, ca nặng.

Phai chuan bi cho tran chien nhanh hon anh 1

Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương cần tăng cường khả năng ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Long cho biết Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về 3 tầng tháp trong điều trị Covid-19. Trong đó, số F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm 80%. Nếu chuẩn bị được cơ sở điều trị cho nhóm đối tượng này là đã đáp ứng 80% tổng số bệnh nhân.

Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng các cơ sở y tế cho tầng điều trị thứ nhất mà nên lựa chọn các đơn vị cách ly như nơi lưu trú, quân đội, công an và các cơ sở có khả năng... Nơi đây được xem như các phòng y tế, trạm y tế có 1-2 bác sĩ và điều dưỡng. Lực lượng y tế lúc này chỉ theo dõi, giám sát, xét nghiệm cho F0 như đã hướng dẫn.

Tầng tháp thứ 2 dành để điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình gồm các cơ sở y tế tuyến quận, huyện trở lên, có hệ thống oxy và oxy trung tâm, phải cho bệnh nhân thở được HFNC. Còn tầng trên cùng là điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Ngoài ra, sự chuẩn bị về con người rất quan trọng. Các địa phương phải rà soát, đề nghị tất cả cơ sở y tế công lập, tư nhân tham gia cuộc chiến này. Hệ thống công lập phải chuẩn bị hệ thống máy thở và tập huấn sử dụng. Tầng tháp thứ 2 và đặc biệt là tầng thứ 3 cũng cần có kịch bản về nhân lực y tế.

“Đừng chuẩn bị kịch bản có ca bệnh mà phải có kịch bản cho tình huống cao hơn, xấu hơn”, Bộ trưởng Y tế nói và cho biết phác đồ điều trị Covid-19 luôn thay đổi, cập nhật. Bộ đang tiếp tục tìm kiếm thuốc có hiệu quả điều trị Covid-19.

Ông Long giao Tiểu ban Điều trị cần soạn thảo phác đồ điều trị đơn giản, dễ làm, để các bác sĩ ở các chuyên ngành khác cũng điều trị được bệnh nhân Covid-19 chứ không riêng gì bác sĩ cấp cứu, hồi sức hay truyền nhiễm.

“Phải tiết kiệm nhân lực vì cuộc chiến còn dài, tiếp tục phức tạp”, ông Nguyễn Thanh Long lưu ý với các địa phương thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là biện pháp duy nhất có hiệu quả để giảm được tốc độ lây nhiễm.

Đặc biệt quan tâm vấn đề oxy, máy thở

Về trang thiết bị, Bộ trưởng Y tế đánh giá một số địa phương vẫn chưa chuẩn bị chu đáo. Máy thở cực kỳ quan trọng nhưng để vận hành phải có thêm oxy trung tâm, hệ thống khí nén. Ngoài ra, trang thiết bị y tế, dụng cụ phòng hộ, thuốc men cũng phải sẵn sàng, không để dịch xảy ra mới đi mua, đi xin.

“Địa phương phải chuẩn bị tối đa theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Trung ương chỉ hỗ trợ trong trường hợp thực sự cần thiết, không thể tất cả trông chờ hết vào Trung ương”, ông Long nói và cho biết Trung ương sẽ tập trung hỗ trợ cho các Trung tâm Hồi sức của Trung ương trong tình huống dịch căng thẳng.

Các địa phương cũng cần chuẩn bị về điều phối các hoạt động chuyên môn để khi xảy ra không bị luống cuống như vận chuyển, tiếp nhận bệnh nhân, liên thông cơ sở. Ông yêu cầu tất cả cơ sở thực hiện khám chữa bệnh phải kết nối hệ thống Telehealth.

Phai chuan bi cho tran chien nhanh hon anh 2

Bộ trưởng Y tế đánh giá một số địa phương vẫn chưa chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị chữa bệnh. Ảnh: Chí Hùng.

Để chống dịch hiệu quả, các địa phương phải đặc biệt lưu ý vấn đề oxy và máy thở. Theo Bộ trưởng, dù dung lượng sản xuất oxy của Việt Nam đáp ứng thừa nhưng chúng ta gặp nhiều khó khăn về việc kết nối, không có bồn oxy, oxy trung tâm. Trong khi vận chuyển cũng là vấn đề còn hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia.

Phân tích diễn biến lâm sàng của 25.648 ca F0, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay có 83,4% bệnh nhân không triệu chứng; 8,5% bệnh nhân mức độ trung bình (thở khí phòng); 8,1% bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Trong số gần 2.100 ca bệnh nặng có 1.298 ca nguy kịch, 301 ca phải thở oxy dòng cao HFNC, 73 ca phải thở máy không xâm lấn, 389 ca phải thở máy xâm lấn, 18 ca nguy kịch phải thở ECMO.

Tính đến 30/7, Việt Nam có 1.306 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Phân chia độ tuổi bệnh nhân tử vong cho thấy nhóm người từ 70 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất (30,1 %) đều là các bệnh nhân có nhiều bệnh nền phức tạp. Nhóm từ 61-70 tuổi chiếm 28,6%, từ 51-60 tuổi là 22,8%, từ 41-50 tuổi là 11,4% và dưới 40 chiếm 7,2%.


Thay đổi chiến lược chống dịch ở phía Nam và những ưu tiên cho TP.HCM

Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, các chiến lược chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục có nhiều thay đổi để khắc phục hạn chế, siết chặt các biện pháp trong 2 tuần tới.

99% người từ 18 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM sẽ được phân bổ vaccine

Dự kiến trong năm nay, Bộ Y tế phân bổ vaccine cho 90% người từ 18 tuổi trở lên. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương được phân bổ với tỷ lệ cao nhất.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm