Sáng 1/6, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cùng Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong và đại diện của nhiều bộ, ngành.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố xuất hiện ổ dịch liên quan nhóm tôn giáo với mức độ lây nhiễm phức tạp, số ca mắc tăng lên 211 người chỉ trong 6 ngày.
Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Y tế trực tiếp làm việc với TP.HCM từ đầu năm đến nay. Trước đó là cuộc họp khẩn khi thành phố bùng phát ổ dịch liên quan nhóm nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Dịch đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết TP.HCM có điểm bùng phát dịch mới tại nhóm sinh hoạt tôn giáo. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát so với các đợt bùng phát từ trước đến nay tại TP.HCM.
Từ trái qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long tham dự cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, sáng 1/6. Ảnh: HMC. |
"Trường hợp đầu tiên có triệu chứng từ ngày 13/5 đến khi được phát hiện đã quá 13, 14 ngày. Trong khi đó, với chủng virus này, chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, có thể 2-3 ngày hoặc sớm hơn. Chúng tôi đánh giá dịch tại TP.HCM có thể trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và việc lây nhiễm này diễn ra theo cấp số nhân, cực kỳ nguy hiểm", ông Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh trong thời gian này, thành phố có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây. Nguyên nhân là virus có thể lây nhanh trong môi trường không khí.
"TP.HCM cần xác định sự nguy hiểm tại ổ dịch này và có biện pháp quyết liệt. Chúng tôi cho rằng sắp tới đây, thành phố sẽ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh chứ không dừng lại con số 200 như Bộ Y tế công bố. Nguyên nhân là sự lây nhiễm lan rộng tại các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đức Anh. |
Bên cạnh đó, ông cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập khu công nghiệp tại TP.HCM rất lớn.
"Với tòa nhà, trường học, hàng quán... chúng ta có thể thực hiện ngay việc giãn cách nhưng khu công nghiệp thì không. Đây là môi trường khép kín. Chúng tôi cho rằng thành phố đã rất sáng suốt khi đưa ra quyết định giãn cách xã hội nhưng cần tập trung cao độ, nghiêm ngặt, đề phòng lây nhiễm trong khu công nghiệp", ông Long nói.
Cần linh hoạt phương pháp xét nghiệm
Bộ trưởng đánh giá cao kinh nghiệm phòng, chống dịch của TP.HCM khi đã đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời sau khi đúc kết từ các đợt bùng phát trước đó.
"Dịch đã lây 4-5 chu kỳ nên chúng ta không thể biết trước. Cần phối hợp ngành công an trong quá trình truy vết. Họ có thể hỗ trợ rất tốt. Càng làm triệt để, càng sớm bao nhiêu thì càng sớm gỡ được gánh nặng bấy nhiêu", Bộ trưởng nói.
Hơn 200.000 người liên quan ổ dịch mới bùng phát tại TP.HCM được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Duy hiệu. |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng hiện tại, dấu hiệu của các bệnh nhân ban đầu khá mờ nhạt. Do đó, TP.HCM cần tăng tốc, mở rộng hơn nữa chứ không thể chờ toàn bộ vào xét nghiệm rRT-PCR được.
"Tôi đề nghị toàn bộ người có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải được xét nghiệm. Đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Với cơ sở phòng khám, y tế tư nhân, nhà thuốc... cần phối hợp xác định người có biểu hiện sốt, khó thở... và xét nghiệm với kháng nguyên nhanh. Tôi đề nghị TP.HCM áp dụng triển khai thí điểm biện pháp này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Y tế cho rằng dù TP.HCM có công suất xét nghiệm cao, tuy nhiên, không thể xét nghiệm được cho hàng triệu người cùng lúc. Do đó, thành phố cần ưu tiên khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ mới sử dụng phương pháp rRT-PCT.
"Thành phố nặng về xét nghiệm rRT-PCR, trong khi test kháng nguyên nhanh có thể được áp dụng để sàng lọc, rà soát nguy cơ ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, độ chính xác tuyệt đối là chưa thể nhưng thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót", Bộ trưởng lý giải thêm.
Về điều trị, ông nhấn mạnh TP.HCM cần lên phương án kỹ lưỡng, tập trung vào khu vực điều trị Hồi sức tích cực (ICU), chuẩn bị phương án giường ICU cho tình huống nhiều bệnh nhân nặng.
Bộ trưởng Y tế cho biết đơn vị này đã đề nghị Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho kịch bản 200 giường bệnh điều trị Covid-19.
Về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết TP.HCM có đề xuất thêm số lượng vaccine. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Việt Nam không phải là kinh phí mà là về số lượng. Thành phố đã có văn bản đề nghị nhập khẩu vaccine. Bộ Y tế đã có phản hồi và đảm bảo có lượng vaccine lớn nhất cho TP.HCM.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 208 ca nhiễm nCoV. Dịch đã lan đến 20/22 quận, huyện. Nhiều chuỗi lây nhiễm được phát hiện gồm một ca bệnh liên quan Hà Nam, 2 bệnh nhân tại TP Thủ Đức - quận 7, các bệnh nhân trong chùm ca bệnh gia đình bán bánh canh O Thanh (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) và 211 ca bệnh liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.