Sáng 17/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế làm việc với Thành uỷ, UBND TP.HCM về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19. Nội dung buổi làm việc bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP.HCM cùng tham gia buổi làm việc. Làm việc với đoàn có ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố, các đồng chí trong thường trực UBND Thành phố và Sở, ban, ngành liên quan.
Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà dành cho F0
Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với người mắc Covid-19 mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.
Gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 với 6 hoạt động chính: truy xuất và quản lý người F0 cách ly tại nhà trên đại bàn quận, huyện, xã, phường bằng chức năng "người cách ly" trong phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19"; hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà; khám và theo dõi sức khoẻ tại nhà do trạm y tế phụ trách; hướng dẫn sử dụng toa thuốc tại nhà, bao gồm cả sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống với người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp; xét nghiệm cho người F0 tại nhà và tư vấn hỗ trợ sức khoẻ và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.
Về trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị các bệnh viện của thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, địa phương tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir).
PGS.TS Tăng Chí Thượng thông tin TP.HCM thực hiện mô hình tháp 3 tầng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà, 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức (khoảng gần 24.000 giường). Tầng điều trị 2 gồm có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường. Tầng điều trị thứ 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế với gần 3.850 giường.
Làm rõ thêm nội hàm của tháp điều trị 3 tầng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoàn toàn đồng ý việc phân tầng điều trị 3 tầng của thành phố, đồng thời đánh giá cao việc sáng tạo đưa ra mô hình chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 theo 2 trụ cột.
Cho rằng mô hình chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất, ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ: "Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3".
Theo Bộ trưởng Y tế, trong chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ. Nếu phát hiện ra F0, chúng ta cần khoanh luôn nhà đó, phát túi thuốc chăm sóc, điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong một tuần. "Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Song song đó, chúng ta cần mở rộng tầng 2 và tầng 3. Trong đó, lưu ý tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Tầng 2, dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khoẻ sẽ cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
Bộ trưởng Y tế đánh giá cao việc sáng tạo đưa ra mô hình chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 theo 2 trụ cột của TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các bệnh viện thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với đơn vị tầng 2. Đồng thời, cử ê-kíp y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2.
Công thức 5 điểm chống dịch ở TP.HCM hiện nay
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế TP.HCM. Ông lưu ý TP.HCM cần thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này, đó là:
Thứ nhất, thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. "Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.
Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.
Về xét nghiệm, TP.HCM tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 86, có thể làm theo 2 hướng. Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, thành phố chủ động "quét" các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin vào ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ thành phố, mỗi xe 2.000- 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do cơ quan này chịu trách nhiệm. Hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP.HCM.
Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.
Thứ năm, vaccine là chiến lược lâu dài.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh quan điểm của địa phương phải tranh thủ thời gian vàng tiến đến mục tiêu kiểm soát dịch trên địa bàn. TP.HCM đã lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh Covid-19.
Tổ này có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và sở y tế trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho F0 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.