Theo Bộ trưởng, ngoài những thành tựu đã đạt được,vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế mà Ngành cần khắc phục và sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh cần phải giải quyết.
“Do đó trong thời gian tới một mặt chúng ta phải xử lý để giải quyết tốt tất cả những vấn đề về quản lý nhà nước của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật.
Mặt khác cần tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết xử lý những vấn đề cấp bách, bức xúc và quan trọng do thực tiễn đặt ra”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện (trái). |
Tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đưa ra các giải pháp bước đầu cần tập trung giải quyết đối với ngành, cụ thể:
Về lĩnh vực văn hoá: Tập trung chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp.
Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và có bổ sung những tiêu chí mới. Xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tăng cường các thiết chế về văn hoá.
Về lĩnh vực gia đình: Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là tổ ấm hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người; đề cao và phát huy vai trò gia đình. Trong giáo dục đạo đức con người phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Về lĩnh vực thể dục thể thao: Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao quần chúng, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Phấn đấu đến năm 2020 số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 33%, gia đình tập luyện thể thao đạt 23%...
Về lĩnh vực du lịch: Tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại trong ngành du lịch. Trước hết là chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch, cải thiện môi trường du lịch, an ninh, an toàn văn minh trong du lịch về cơ sở hạ tầng, về công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, được đo bằng chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả bền vững thương hiệu và sự cạnh tranh; cải thiện và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam chất lượng, an toàn, thân thiện với những điểm đến danh tiếng và những thương hiệu du lịch nổi bật, đẳng cấp cao, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11-12% và đến năm 2020 đạt 12-13 triệu lượt khách quốc tế, 48-50 triệu lượt khách nội địa…