Sáng 22/9, diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo hình thức trực tuyến. Lãnh đạo các sở liên quan của 63 tỉnh, thành phố tham gia diễn đàn.
Sau bài phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, chương trình gặp trục trặc về vấn đề kỹ thuật.
Cuối cùng, diễn đàn chỉ có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo đến từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Di sản, Cục Văn hóa cơ sở...
Kiếm tiền từ nền tảng mạng
Ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn có bài tham luận nói về tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Do ảnh hưởng của dịch nên nhiều đơn vị, nghệ sĩ không thể cho ra mắt công chúng các tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống. Trong bối cảnh đó, Cục đã từng bước đổi mới tư duy, cách thức tiếp cận trong hoạt động sáng tác, biểu diễn. Đồng thời, Cục đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ các vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, định hướng và phát triển sự nghiệp nghệ thuật.
Diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch" do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì. Ảnh: Minh Khánh/Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Theo ông Tuấn, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ, diễn viên vẫn có nhiều hoạt động. Các nghệ sĩ đã tiếp cận khán giả qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận nỗ lực của Cục Nghệ thuật Biểu diễn trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật online, mang tiếng hát để động viên, cổ vũ lực lượng tuyến đầu và người dân.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây chỉ là nhiệm vụ mang tính chất chính trị. Cục chưa thực hiện được nhiệm vụ kinh tế để nuôi bộ máy của hơn 100 đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa mong Cục có thể đưa ra các giải pháp để các đoàn nghệ thuật có thể kiếm tiền từ nền tảng mạng.
"YouTuber có trên một triệu lượt theo dõi là có doanh thu rồi. Liệu các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể làm được điều đó?", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi, ông Lê Minh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, tìm ra các giải pháp để phát triển nhiệm vụ kinh tế cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật.
"Cục đã đưa ra giải pháp là từng bước thiết lập các website, kênh phát sóng trực tuyến... Tuy nhiên, nhiều đơn vị có kênh trên mạng xã hội nhưng chưa thu hút được lượng người theo dõi lớn", Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói.
Người làm văn hóa cần soi lại mình
Sau khi lắng nghe ý kiến đến từ lãnh đạo các đơn vị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận hơn 9 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đất nước. Riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải đối mặt với 4 không: "Không tổ chức chương trình nghệ thuật; Không có các sự kiện thể thao lớn; Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế; Không có các hoạt động nghệ thuật có cấp quy mô".
Nói về các nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh khi cả nước đang nỗ lực để phủ kín tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19, hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch khó hoạt động bình thường như trước.
Vì thế, ngành cần phải chuyển hướng, tập trung một số vấn đề như: Tập trung tham mưu xây dựng thể chế, trong đó phải chủ động rà soát các Luật, Nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực của bộ, ngành... để đề xuất, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
Đối với Luật Điện ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng phải xem điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành công nghiệp.
"Có như vậy, chúng ta mới thấy được giá trị văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa", Bộ trưởng khẳng định.
"Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn, không nên say sưa với những gì làm được, suy ngẫm nhiều hơn, phải thấy được sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch để tự soi mình, làm nhiều, cống hiến hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận.