Sáng 19/3, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội. Bên cạnh đó là giải trình về việc thẩm định, đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
'Các bộ thường xuyên ý kiến 3 dòng là đồng ý'
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chất vấn xung quanh chất lượng và tiến độ các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội. Theo bà Nga, về tiến độ, nhiều dự án luật quá chậm so với yêu cầu, việc này đẩy cơ quan thẩm tra vào tình trạng rất khó khăn. Có dự án luật từ khi trình đến khi họp chỉ trước 2 ngày mà lại là thứ 7 và chủ nhật.
Chưa kể, về chất lượng tồn tại một số vấn đề như: Có nhiều báo cáo hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động "chay", không có số liệu chứng minh kèm theo; sự tham gia góp ý của các bộ ngành tham gia cũng hình thức.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chất vấn Bộ trưởng Tư pháp. Ảnh: Quochoi.vn |
Có bộ, ngành cho ý kiến, thường xuyên ủy quyền cho Phó vụ trưởng vụ Pháp chế kiến nghị 3 dòng là đồng ý. Một việc nữa là dự thảo nghị định hướng dẫn chưa đi kèm, chưa lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị chấn chỉnh tình trạng này nếu không sẽ đẩy các cơ quan của Quốc hội vào tình trạng rất khó trong thẩm tra, tiếp thu giải trình.
"Trước tình trạng như vậy có xử lý kỷ luật cá nhân nào, tổ chức nào, lãnh đạo, chuyên viên nào không? Quan điểm của Bộ Tư pháp về xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được trong dự Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi?", bà Nga chất vấn vấn đề chung lẫn cụ thể.
Tài sản bất minh sẽ đưa ra tòa
Thừa nhận tình trạng này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định có câu chuyện liên quan trách nhiệm người đứng đầu khi trình hồ sơ, trình dự án luật được giao chậm không đúng tiến độ, không đảm bảo quy trình thủ tục.
"Quốc hội đã có nghị quyết liên quan công tác xây dựng văn bản. Xét về nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong công tác xây dựng pháp luật sẽ là một yếu tố để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Quan điểm của Quốc hội đã rõ và Chính phủ cũng tương đối rõ", ông Long nói.
Cũng theo "tư lệnh" ngành tư pháp, trong các phiên họp chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, tiến độ, không đảm bảo chất lượng văn bản.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Thắng Quang |
Thực tế, Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở trong các phiên họp, công bố công khai dữ liệu chậm văn bản chậm. Một trong những việc Tổ công tác của Thủ tướng rà soát xem xét là việc xây dựng, ban hành các văn bản.
Về dự án luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi phải chưa được đưa vào chương trình phiên họp lần này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đây là dự án luật rất khó. Dự án luật theo kế hoạch sẽ xem xét đưa ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới nhưng còn ý kiến khác nhau.
Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định từ trước, trong quá trình soạn thảo, đơn vị này tham gia, thậm chí có ý kiến riêng của chuyên gia cung cấp cho Ủy ban Tư pháp.
Về xử lý tài sản tham nhũng, ông Long cho rằng vấn đề này được quan tâm, có ý kiến đề xuất và Chính phủ trình lên đối với những tài sản nguồn gốc bất minh, không chứng minh được nguồn gốc từ đâu ra thì đánh thuế 45% thuế thu nhập cá nhân.
Bộ trưởng Tư pháp phân tích theo Công ước quốc tế về Phòng chống tham nhũng xử lý những gì chứng mình được thì ổn, không chứng minh được thì tịch thu hoặc hình sự. Trung Quốc là tịch thu và xử lý hình sự ngay.
"Tôi thấy ở nước ta thực hiện cái này ngay lập tức thì chưa được, không khả thi. Quan điểm của Bộ ngay từ đầu đối tài sản không chứng minh nguồn quốc thì phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra toà xem xét giống như các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ. Hiện, chúng tôi vẫn đang thảo luận và sẽ có tiếp tục phối hợp các cơ quan tiếp tục trình diễn tiến của dự luật", Bộ trưởng Long nói.