Chuyên gia Nhật: Kết quả thử nghiệm “đường bay vàng” đáng tin cậy
“Chúng tôi đã có công văn cho chuyên gia Nhật yêu cầu họ đánh giá. Vị đại diện dự án JICA tại Hà Nội đã khẳng định kết quả bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội –TP.HCM (sau đây gọi là đường bay thẳng) là đáng tin cậy”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam khẳng định tại cuộc họp báo cáo về đường bay thẳng với Bộ trưởng Đinh La Thăng sáng 10/9 tại Hà Nội.
Trước đó, ngày 4/9, sau 4 ngày bay thử nghiệm cục Hàng không đã thông báo kết quả bay thử phương án đường hàng không thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất tiết kiệm được 5 phút, 190 kg nhiên liệu và 85 km so với phương án bay cũ.
Vì sao ông Trần Đình Bá nói đường bay thẳng tiết kiệm 420 km, cục Hàng không bảo 85 km?
"Quỹ đạo máy bay không đơn thuần như đường bộ. Máy bay khi cất cạnh, hạ cánh phải "có ngõ" hoặc hạ thấp độ cao mới đi được.
Việc này do đo khoảng cách đường đối điểm. Nếu tính khoảng cách, đo đường bay xa ngắn chỉ bằng cách đo trên bản đồ, hình học quá đơn giản" - ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện đường bay thẳng, tuy nhiên đại diện cục Hàng không cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao yêu cầu phía bạn (Lào, Campuchia) cho chúng ta sử dụng mức bay tối ưu (mức bay tiết kiệm nhiên liệu nhất).
Nếu bay mực thấp hơn thì sẽ không tiết kiệm được cả về thời gian và nhiên liệu.
Hiện, phía Việt Nam đã liên hệ với Lào và Campuchia thiết lập nhóm kỹ thuật để làm chi tiết về đường bay, ông Thanh nói.
Phân tích về thuận lợi khi có thêm đường bay mới, ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định, có đường bay thẳng vẫn tốt hơn là không.
Ngay cả khi đường bay thẳng không tiết kiệm được phút nào thì nó vẫn sẽ giải quyết bài toán tổng thể đường bay.
“Việt Nam hàng năm có khoảng chục cơn bão, bình quân một nửa số đó vào nước ta. Mỗi ngày trung bình chúng ta có khoảng 50-60 chuyến bay. Tính trung bình một năm chúng ta có vài trăm chuyến bay phải xin phép bay qua nước bạn khi có thời tiết xấu. Việc có đường bay mới sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Thắng nói.
Song, vướng mắc hiện tại với năng lực hàng không cũng như trình độ của kiểm soát viên không lưu của mình phía Lào muốn phi cơ Việt Nam bay mực bay thấp. Tuy nhiên, nếu bay với mực bay thấp thì giống như xe phân khối lớn bắt chạy tốc độ thấp.
“Với đường bay mới nên chỉ bay một chiều. Tức bay từ TP.HCM ra Hà Nội thì bay thẳng nhưng bay từ Hà Nội vào TP.HCM thì nên bay theo đường cũ. Bay như vậy nước bạn sẽ dễ thu xếp mực bay vì phù hợp với khả năng, lại đảm bảo an toàn. Chúng ta cứ khăng khăng đòi bay 2 chiều thì khả năng sẽ khó”, ông Thắng đưa ra giải pháp.
“Chốt” đường bay thẳng trong tháng 10
Các hãng hàng không đều bày tỏ đồng tình với quyết tâm mở đường bay thẳng của bộ Giao thông Vận tải, đại diện Vietjet Air nhất trí với giải pháp của ông Thắng, dù một phút hay mấy trăm kg nhiên liệu cũng là rất quý với doanh nghiệp hàng không, vị này nói.
Còn phía Jetstar cho rằng, các năm vừa rồi do điều kiện thời tiết, hãng này phải bay tránh sang vùng phía tây. Mỗi lần đều phải xin phép bay của cục Hàng không Việt Nam, phía Lào và Campuchia. Với đường bay thẳng mới, việc xin phép được làm từ ngay đầu đường bay sẽ thuận lợi nhiều về thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Thăng: "Tiết kiệm một phút bay cũng là quý hóa". Ảnh: T.Lam. |
Về đường bay thẳng, Bộ trưởng cho biết ông sẽ trực tiếp làm việc với Bộ trưởng giao thông hai nước bạn về những vấn đề cần thiết. Các vấn đề vượt thẩm quyền bộ sẽ báo cáo lên Chính phủ.
Khẳng định việc nắn đường bay là giải pháp tổng thể nâng cao hiệu quả và đảm bảo an toàn ngành hàng không, "tiết kiệm một phút cũng là quý hóa", Bộ trưởng cũng yêu cầu tổ công tác cần báo cáo kết quả cuối cùng việc nắn đường bay trong tháng 10.
Theo đó, tổ công tác cần sớm làm việc với hàng không các nước bạn để thống nhất và bàn các nội dung cụ thể.
"Chúng ta làm trên tất cả vì lợi ích của nhân dân, trách nhiệm với đất nước, không vì ăn thua với cá nhân nào cả", Bộ trưởng nhấn mạnh.