Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tài chính: Không nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích chuyển một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX để giảm tải.

Chiều nay (9/3), Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với 2 Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, các đơn vị liên quan và đại diện thị trường để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán diễn ra gần đây.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Một trong các giải pháp được Bộ Tài chính tính đến là áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống tại HoSE. Bộ Tài chính và FPT cùng nhận định, giải pháp là hoàn toàn khả thi, mất từ 3 đến 4 tháng để hoàn thiện và xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh giao dịch.

Để xử lý các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc bộ và Sở Giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng. Trong đó đảm bảo giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

San HoSE qua tai nghen lenh anh 1

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán. Ảnh: BTC.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng phương án xử lý.

Cùng với việc sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt sẽ không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 đơn vị/lệnh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khuyến khích việc chuyển giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện để giảm tải hệ thống giao dịch của sàn TP.HCM và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống giao dịch.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại, một trong các giải pháp được Bộ Tài chính áp dụng nhằm giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE là cho phép chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX mà không cần xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.

Các doanh nghiệp khi có nhu cầu chuyển giao dịch cổ phiếu tạm thời sang HNX chỉ cần có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp gửi cho HNX và HoSE.

Tuy nhiên, để đảm bảo các chỉ số trên thị trường hiện nay, cơ quan quản lý cho biết cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HoSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HoSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX.

Đối với các công ty có cổ phiếu nằm trong rổ VN30 sẽ tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch.

Cơ quan quản lý chứng khoán cũng yêu cầu HNX, HoSE và VSD nhanh chóng xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch tương tự như các trường hợp chuyển niêm yết đã thực hiện từ trước đến nay.

Thêm công ty muốn chuyển giao dịch từ HoSE sang HNX

Sau VNDirect, đến lượt Công ty Chứng khoán BSC nghiên cứu việc chuyển giao dịch cổ phiếu BSI từ HoSE sang HNX nhằm giảm tải cho hệ thống của sàn TP.HCM.

Giao dịch lô 1.000 cổ phiếu: HoSE ngược chiều thế giới?

TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng ý tưởng nâng lô giao dịch tại HoSE có thể làm nhà đầu tư nhỏ rời bỏ thị trường chứng khoán hoặc đổ xô vào các cổ phiếu thị giá nhỏ, rủi ro cao.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm