Dịch cúm gia cầm H7N9 đang có chiều hướng gia tăng ở Trung Quốc khiến hàng chục người thiệt mạng và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chủng virus này tồn tại trên gia cầm nuôi, chim hoang dã và cả trong môi trường tự nhiên. Nếu H5N1 làm hầu hết gia cầm mắc bệnh chết thì gia cầm nhiễm H7N9 hầu hết không có triệu chứng lâm sàng, không chết. Cách nhận biết chỉ có thể thông qua lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, khi gia cầm tích lũy virus H7N9 đến một mật độ nhất định thì tạo ra nguy cơ lây sang người.
Bộ trưởng Phát cho biết, hiện chưa có bằng chứng lây nhiễm H7N9 từ người sang người nhưng cũng như virus H5N1, có cúm gia cầm thì có người nhiễm và tử vong.
"Virus H7N9 đang đe dọa chúng ta hàng ngày hàng giờ. Tôi rất sốt ruột. Việt Nam chưa phát hiện H7N9 cả trên người lẫn gia cầm, thì phải bằng mọi cách không cho virus xâm nhập", Bộ trưởng Phát yêu cầu.
Dịch cúm H7N9 đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. (ảnh: GTVT) |
Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông cho biết, khu vực virus có khả năng xâm nhập nhất chính là 4 tỉnh biên giới giáp Quảng Tây và các địa điểm nhập khẩu sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc.
Theo đó, ông Đông cho rằng, việc giám sát chặt chợ gia cầm sống, đóng cửa tạm thời các chợ gia cầm, đặc biệt tại những nơi được xác định bị H7N9 tấn công... vô cùng quan trọng. Đây cũng chính là kinh nghiệm của Trung Quốc để ngăn chặn dịch lan rộng.
Ngoài ra, thông tin từ Cục trưởng Thú y cho biết, cơ quan này đã cử 9 đoàn công tác tới các tỉnh, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm 2 lần mỗi tuần ở 60 chợ nhằm kiểm soát chặt nếu virus xuất hiện.
Đồng tình với ý kiến của Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, sẽ đề xuất Chính phủ tạm ngừng nhập tất cả các loại gia cầm sống và thịt, sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc chưa qua xử lý chín bằng nhiệt vào Việt Nam. Ngoài ra, Bộ trưởng này cũng yêu cầu, các thành viên phải sẵn sàng thực thi mọi biện pháp để tránh dịch lây lan vào Việt Nam. Việc giao ban để nắm thông tin và chỉ đạo ứng phó sẽ được tổ chức hàng tuần.
Virus H7N9 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3/2013 tại Thượng Hải và đến tháng 2/2014 đã ghi nhận 308 ca bệnh, trong đó có 73 ca tử vong. Đất nước này đang phải hứng chịu thiệt hại tới 26 tỷ USD từ dịch cúm. Tại Trung Quốc, nhiều gà thải loại được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam giáp với Việt Nam, trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện dịch cúm.