Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng chống sinh vật hại trên cây trồng vụ Đông xuân 2020 các tỉnh phía Bắc” diễn ra sáng 7/4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc lợn hơi giảm còn 70.000 đồng/kg, nhưng giá thịt mảnh đến tay người tiêu dùng vẫn “neo” ở mức cao, có loại trên 200.000 đồng/kg.
15 doanh nghiệp giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4 chỉ chiếm 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đầu tiên, nguồn cung thịt lợn trong nước chưa đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Trước khi có dịch, mỗi quý Việt Nam cần 910.000 tấn thịt lợn, vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn. Theo Bộ trưởng Cường, phải đến quý IV chúng ta mới đạt được sản lượng đủ.
Thứ hai, giá thành sản xuất thịt lợn cao do phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.
Thứ ba, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn cam kết đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4 chưa đủ sức chi phối thị trường.
“Còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá xuống thấp như chúng ta mong muốn”, ông Cường nói.
Về giải pháp, cần tập trung vào gốc rễ vấn đề là đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để giảm bớt khâu trung gian, làm sao đưa thịt lợn đến tay người tiêu dùng một cách ngắn nhất.
“Chúng ta phải nhập khẩu. Thời gian tới đây cần tiếp tục nhập khẩu lượng thịt lợn trong chừng mực để bù đắp phần còn thiếu của thị trường. Ngoài ra, hướng dẫn người dân tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm khác để không tạo áp lực về mỗi mặt hàng thịt lợn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, người dân nên san sẻ, tích cực mua các loại thực phẩm khác như trứng, cá,… Các mặt hàng này vừa có lợi cho sức khỏe, vừa có giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.