Chiều 9/10, tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết khoảng 10 ngày tới, thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ diễn biến xấu khi liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều hình thái cực đoan.
Ngày 12-17/10, Biển Đông khả năng hứng thêm hai cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Không khí lạnh tương tác với bão
Theo ông Khiêm, bão số 7 khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tối 10/10. Hiện, bão duy trì sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 và đang di chuyển trên khu vực phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất là trong đêm nay và ngày mai (10/10). Trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Ninh, sức gió ghi nhận được có thể mạnh cấp 8, 9; các khu vực khác có gió mạnh cấp 6.
Dự báo đường đi của bão số 7 trên Biển Đông trong những ngày tới theo cập nhật đến 17h ngày 9/10. Ảnh: VNDMS. |
Đáng lưu ý, sự kết hợp giữa hoàn lưu bão và không khí lạnh khiến mưa lớn xuất hiện diện rộng tại các tỉnh đồng bằng và Đông Bắc Bộ trong hai ngày tới. Lượng mưa 100-150 mm/đợt có thể ghi nhận ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Trong khi đó, mưa lớn diện rộng xuất hiện ở các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An các ngày 10-11/10. Tổng lượng mưa tại đây được dự báo 50-100 mm/đợt, có nơi mưa trên 150 mm.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại một số khu vực miền núi thuộc Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa.
"Sau bão số 7, cơn bão Kompasu đang hoạt động ở vùng biển Thái Bình Dương sẽ di chuyển vào Biển Đông ngày 12/10. Chúng tôi nhận định đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có thể sớm ảnh hưởng đến đất liền Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị", ông Khiêm nói và cho biết cơ quan khí tượng sẽ sớm phát bản tin cảnh báo về hình thái này.
Chuyên gia cũng cho biết khoảng ngày 16-17/10, Biển Đông khả năng tiếp tục xuất hiện nhiễu động. Cơ quan khí tượng đưa ra nhận định bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể hình thành tại khu vực trong thời gian này. Xác suất xảy ra khả năng này là khoảng 60%.
4 tỉnh, thành phố cấm biển
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 9/10, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 33.000 tàu tương đương 113.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trước đó, rạng sáng 9/10, một tàu với 9 lao động của tỉnh Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300 m. Sự cố này làm một người chết, bộ đội biên phòng tỉnh đã điều hai phương tiện cứu được 8 người còn lại.
Hiện, 4 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã có lệnh cấm biển. Ngoài ra, 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến cấm biển trong tối nay hoặc sáng sớm 10/10.
Trước diễn biến mưa lớn và gió mạnh do bão, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán hơn 41.000 hộ với tổng số 151.400 người dân khu vực ven biển đến các khu vực an toàn.
Địa phương cũng rà soát những người trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 7 chiều 9/10. Ảnh: Ngọc Hà. |
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần lên kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày.
"Mặc dù dự báo xa có thể không chính xác, chính quyền và người dân cần có cái nhìn tổng quan để thấy được mức độ cực đoan của thời tiết. Nếu có kịch bản cụ thể, chúng ta sẽ chủ động được phương án ứng phó khi xuất hiện bão số 8 cùng những hình thái khác", ông Hoan nói.
Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết phương án ứng phó ngoài việc kết hợp phương án phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần lưu ý thêm tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Nam ra Bắc.
Theo ông, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Do đó, ông Hoan đề nghị chính quyền các địa phương can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân trở về, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.
Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.
"Chúng ta không chủ quan để bão lớn thiệt hại nhỏ mà bão nhỏ thì thiệt hại lớn. Trong bão có thể không nguy hiểm, nhưng hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn", Bộ trưởng Hoan nói và cho biết các địa phương cần căn cứ diễn biến thực tế để ra quyết định cấm biển, cấm ra đường, cấm vào rừng, cấm ra đồng...
Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng cho biết về lâu dài, để ứng phó với thiên tai, các địa phương, ban, ngành chức năng cần lưu ý đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định vị phương tiện trên biển để dễ dàng kết nối, xử lý thông tin khi có tình huống xảy ra.