Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Nội vụ: Xem xét sáp nhập một số bộ, ngành trong nhiệm kỳ mới

Bộ Nội vụ được giao tổng kết bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ mới theo hướng thu gọn những cơ quan có chức năng chồng lấn.

Trao đổi với báo chí về phương án sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết bộ đang được giao nhiệm vụ tổng kết tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Bộ cũng sẽ chuẩn bị xây dựng các phương án bộ máy Chính phủ của nhiệm kỳ tới.

Sẽ báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị

Hướng sắp xếp được Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là đổi mới, kiện toàn, sắp xếp theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, luật pháp. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành.

"Sau khi tổng kết, chúng tôi sẽ có báo cáo đầy đủ Chính phủ và Bộ Chính trị”, ông Tân nói.

sap nhap bo,  nganh Trung uong anh 1

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Chính phủ đã giao cho bộ xây dựng phương án tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới. Ảnh: Hồng Quang.

Trên cơ sở đó, có thể đánh giá với cơ cấu tổ chức của Chính phủ hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có chồng lấn với nhau hay không để sắp xếp lại. Việc sắp xếp sẽ theo tinh thần tinh giản bộ máy thực hiện bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành.

Trong đó, nhấn mạnh đến những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới.

Cụ thể như ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

“Trong năm nay, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau đó, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể", Bộ trưởng Nội vụ nói.

15 tỉnh đăng ký thí điểm sáp nhập sở, ngành

Ở cấp địa phương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay bộ đã 2 lần gửi văn bản đến các địa phương về việc đăng ký thí điểm hợp nhất một số sở, ngành.

Tính đến ngày 6/1, đã có 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký.

Ở cấp tỉnh, Quảng Ninh và Yên Bái đăng ký thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đắk Nông và Yên Bái đăng ký hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng…

Một số tỉnh đã thực hiện hợp nhất một số sở, ngành như Lào Cai (hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng); Bạc Liêu (hợp nhất Sở VHTT&DL với Sở TTTT, Sở KH&CN và Sở GD&ĐT); tỉnh Hà Giang hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Thanh tra - Ủy ban Kiểm tra.

Ngoài ra, có 14 tỉnh đã thực hiện hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND; một số tỉnh thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra.

"Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về vấn đề thí điểm này trên cơ sở sẽ lựa chọn 20% số đơn vị để làm thí điểm. Tinh thần chung là chúng ta phải làm hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu chúng ta làm thí điểm mà khả năng thành công khoảng 80% thì mới làm", ông Tân nêu quan điểm.

Ông cũng cho biết thêm, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng và đã được đồng ý sẽ có văn bản để trình Bộ Chính trị xin chủ trương một lần nữa, để Chính phủ sớm ban hành 2 nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 24, 37 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

"Tinh thần là đưa ra khung số lượng cấp phó các đơn vị; quy định về tiêu chí thành lập đối với các sở đặc thù; quy định về tiêu chí thành lập đối với các phòng bên trong các sở", ông Tân cho hay.

HĐND Hà Nội chính thức thông qua việc sáp nhập thôn, tổ dân phố

Tại kỳ họp bất thường sáng 26/12, HĐND Hà Nội đã thông qua việc sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố đối với 12 huyện, thị xã. Qua đó, thành phố giảm được 189 thôn, tổ dân phố.

Hoài Thu - Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm