Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sau khi được bổ nhiệm chiều 26/10, tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chia sẻ đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của bản thân.
"Được tin tưởng giao trách nhiệm, tôi sẽ cố gắng hết mình để cùng ngành Giao thông cố gắng tập trung phát triển ngành giao thông", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Tân Bộ trưởng khẳng định giao thông phải đi trước một bước, hạ tầng phải tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Ở giai đoạn hiện nay, ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao, huy động vốn ODA khó và lãi suất cao, huy động xã hội cũng có mức độ.
Tân Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Phạm Duy. |
Trong bối cảnh ngành gặp khó khăn, nhất là vấn đề BOT đang gây nhức nhối trong xã hội, từ 3-4 năm trước, Bộ đã tập trung để cụ thể hóa Nghị định 108 phát triển giao thông. Qua thời gian triển khai, nhận thấy có nhiều vấn đề cần rút ra, Bộ chủ động mời Bộ Xây dựng tham gia để thẩm tra, thẩm định cùng Bộ Tài chính để xác định các vị trí đặt trạm thu phí; cùng chính quyền địa phương thực hiện dự án BOT.
Giai đoạn vừa qua dự án BOT đã cùng với các dự án do Nhà nước đầu tư tạo nên sự đột phá cho ngành giao thông.
"Chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn, trong quá trình làm, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chủ động nhưng khung khổ luật pháp của chúng ta chưa chuẩn", ông Thể nhìn nhận.
Ông Nguyễn Văn Thể (sinh năm 1966, quê xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng khóa XIV. Ông Thể từng có 2 năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Từ đó, Bộ đã tổng kết để xem xét những ưu, khuyết điểm trong giai đoạn vừa qua. Ông Thể bày tỏ vui mừng khi cách đây vài hôm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề BOT, trong đó có những yêu cầu mang tính rằng buộc pháp lý.
Trong giai đoạn sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu với Chính phủ và Quốc hội, nếu cần thiết thì nâng cấp những nghị quyết, nghị định thành pháp lệnh hay luật về các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Lúc đó, việc thực hiện dự án BOT sẽ đúng theo khuôn khổ pháp luật.
"Tôi nghĩ làm thì có đúng có sai. Tuy nhiên, cái tâm của những cán bộ ngành giao thông là vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm, cũng không vì tư túi. Những cá nhân nào có vấn đề này thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý", Bộ trưởng Thể nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nếu không tập trung để huy động các nguồn vốn xã hội, mà BOT là một hình thức, thì không thể tạo đột phá về hạ tầng. Trong khi đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định là hạ tầng, trong đó có giao thông, là một trong ba điểm nghẽn rất lớn.
"BOT là một chủ trương đúng. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao thực hiện chặt chẽ hơn, đúng quy định pháp luật hơn, có những luật để rằng buộc chặt hơn. Cuối cùng cũng phải triển khai để làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhân dân trong đó có doanh nghiệp", người đứng đầu ngành Giao thông nói.