Sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị chủ trì hội nghị đầu tiên để kiểm điểm công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II. Sự kiện được tổ chức ngày 22/4, có sự tham gia của toàn bộ lãnh đạo các sở xây dựng, sở quy hoạch kiến trúc trên cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lần đầu nói về những ưu tiên chính sách của mình. Ông nhấn mạnh Bộ Xây dựng sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là thành viên trẻ nhất trong bộ máy Chính phủ đương nhiệm. Ảnh: Thuận Thắng. |
"Hạ nhiệt" giá nhà bằng tư duy chính sách mới
Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên đặc biệt đến việc tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng. Ngoài ra, Bộ sẽ hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.
Một trong những ưu tiên của ông Nguyễn Thanh Nghị là hạ nhiệt giá nhà. Trong 5 năm (2016-2020), cả nước đã xây dựng hơn 5,21 triệu m2, khoảng 104.000 căn hộ nhà ở xã hội, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Do đó, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cơ cấu sản phẩm bất động sản đang chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Bộ cho rằng cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong khi đó, hiện tại vấn đề đặt ra là định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung bất động sản cao cấp đang dư, trong khi đó thị trường thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội.
Hiện tại giá nhà ở đang ngày càng tăng cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng... vượt quá sự chi trả của phần lớn người dân.
Bất động sản cao cấp dư cung, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội lại thiếu
Bộ Xây dựng
Tại TP.HCM, tốc độ tăng giá nhà diễn ra nhanh chóng ở nhiều khu vực. Cụ thể, giá căn hộ tại khu vực trung tâm của thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm đã lên đến khoảng 115-162 triệu đồng/m2, tại khu vực quận 9 khoảng trên dưới 45 triệu đồng/m2 (theo một báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA).
HoREA nhận định thị trường thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở và các chủ đầu tư dự án muốn “tối đa hóa lợi nhuận” nên đẩy giá. Do đó, giá nhà luôn có xu thế tăng, nhất là trong lúc sức mua trên thị trường sơ cấp vẫn mạnh và tỷ lệ hấp thụ của thị trường rất cao, bình quân lên đến 70-80% qua các đợt mở bán dự án nhà ở trong năm 2020.
Trong khi đó theo dữ liệu nghiên cứu của Savills Việt Nam, tại Hà Nội từ năm 2016 đến nay, giá nhà sơ cấp tăng 5% mỗi năm. Giá nhà một số khu vực vùng ven cũng tăng lên 50-60 triệu đồng/m2. Giá nhà đang gấp thu nhập bình quân của người dân 20-30 lần.
Tôn trọng các ý kiến phản biện của người dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra một số định hướng chính sách lớn cho các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
Trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản, ông đề nghị Bộ không được chủ quan, phải chủ động theo dõi, bám sát, nắm chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp về cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch; tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính… Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản ở các địa phương.
Người đứng đầu ngành xây dựng cũng ưu tiên công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật. Ông nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện.
Ông Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ chủ động rà soát, đánh giá tác động thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề suất điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay thế, bổ sung khi cần thiết.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo giá nhà năm 2021 sẽ tăng 10%. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Các đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo mục tiêu quản lý và phát triển, đối tượng điều tiết cụ thể và có tính kế họach, tính dự báo cho giai đoạn 5 năm sắp tới. Bộ trưởng lưu ý đến vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước, Luật quản lý không gian ngầm…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là không cầu toàn, phải quyết liệt, chủ động sửa đổi ngay các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, cản trở sự phát triển, không phù hợp thực tiễn, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Phải hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, hướng dẫn công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch theo pháp luật, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ, điều chỉnh quy hoạch các địa phương. Thời gian tới sẽ công khai quy hoạch trên cổng thôn tin quy hoạch quốc gia.
Người đứng đầu ngành xây dựng cũng cho biết sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo nâng lên về trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, nâng lên đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và có các giải pháp giám sát phù hợp trong quá trình thực hiện công vụ. Đảm bảo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Các đơn vị phải tăng cường quản lý nội bộ, quản lý cán bộ.
"Phải hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn", ông nhấn mạnh.