Chiều 13/6, trong buổi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện được mời phát biểu giải trình khoảng 10 phút.
Ông dành phần lớn thời gian để nói về những thiệt hại của ngành VHTTDL do dịch Covid-19, sự phục hồi sau khi nởi lỏng giãn cách xã hội và những biện pháp phục hồi ngành du lịch.
Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức các trận bóng đá có khán giả vào xem
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Thiện cho biết đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau khi Thủ tướng đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động bắt đầu phục hồi dần.
Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh từng bước mở cửa. Vịnh Hạ Long đã đón 131.000 lượt khách, Tràng An 76.000 lượt khách (trong đó có 1.900 khách quốc tế sinh sống tại Việt Nam), Huế đón 22.900 lượt khách, trong đó có 900 khách quốc tế…
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quochoi.vn. |
11 bảo tàng tiêu biểu trên cả nước cũng đã mở cửa và đón 66.000 khách. Các rạp chiếu phim đã mở cửa, nhưng lượng ghế lấp đầy chỉ khoảng 25%. Các nhà hát đỏ đèn đón khán giả trở lại, hoạt động thể dục thể thao bắt đầu hoạt động.
Ông nói các giải bóng đá của Việt Nam rất đông khán giả. Việt Nam là nước đầu tiên tổ chức các trận bóng đá có khán giả vào xem, qua đó khẳng định công tác chống dịch tốt. Vận động viên Việt Nam đã được triệu tập lại và luyện tập bình thường, chuẩn bị cho nhiều giải đấu.
“Du lịch nội địa mới phục hồi bước đầu và còn rất yếu ớt"
Nói về du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lĩnh vực này bị thiệt hại nặng nề bởi dịch. Từ đầu năm đến nay, cả nước đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 50% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, khách quốc tế tập trung chủ yếu trong tháng 1 với 2,2 triệu lượt. Đến tháng 2 giảm còn hơn 1 triệu lượt. Sau đó, tháng 3 và 4 thì gần như không có khách.
Trong khi đó, khách nội địa trong 5 tháng đầu năm là 16 triệu lượt, giảm 58%. Tổng thu từ dịch vụ du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ. Công suất phòng khách sạn chỉ đạt khoảng 20% cùng kỳ năm ngoái. Tháng 3 và 4, đa số các khách sạn và cơ sở lưu trú dừng hoạt động, chỉ bố trí nhân sự trực.
Nhiều điểm đến trong nước đã đón khách trở lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện tại, ông cho biết Bộ VHTTDL đang có cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, sau đó nhiều doanh nghiệp cũng hưởng ứng chương trình kích cầu. Trong tháng 5, du lịch nội địa bắt đầu phục hồi và tăng 780% so với tháng 4, nhưng giảm 90% so vơi cùng kỳ.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách nội địa tăng mạnh tại Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Vào các dịp cuối tuần, khách đến các điểm ven biển đạt 70-80% so với cùng kỳ.
“Du lịch nội địa mới phục hồi bước đầu và còn rất yếu ớt, cần giải pháp phục hồi mạnh mẽ hơn nữa”, ông nói và đưa ra 2 giải pháp chủ yếu.
"Không có lý do gì không đi du lịch trong nước"
Với giải pháp thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Khách nội địa đóng vai trò là điểm tựa, nền tảng phục hồi nhanh ngành du lịch. Các giải pháp cụ thể phải được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, để làm sao tăng khách nội địa đi du lịch trong tháng 5 và 6.
Ông khẳng định ngành du lịch Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhất để có thể phục vụ người dân đi du lịch. Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng không kém các quốc gia phát triển, với giá cả hợp lý. Việt Nam cũng giành nhiều giải thưởng du lịch quốc tế trong năm 2019.
“Không có lý do gì chúng ta không đi du lịch trong nước. Trân trọng kính mời đồng bào và nhân dân cả nước đi du lịch nội địa”, Bộ trưởng Thiện nói, sau đó là tiếng vỗ tay lớn tại nghị trường.
Giải pháp thứ hai được người đứng đầu ngành VHTTDL nhắc đến là từng bước mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không mở cửa ào ạt khi không thể xác định mức an toàn của các nước khác.
Việc mở cửa cho khách quốc tế sẽ trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là triển khai khách du lịch nội địa. Giai đoạn thứ hai là thí điểm mở cửa, trao đổi khách quốc tế theo kiểu song phương với một số nước.
Giai đoạn thứ ba là mở rộng số quốc gia thực hiện trao đổi khách quốc tế. Giai đoạn thứ tư là mở lại hoạt động đón khách quốc tế bình thường.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc mở cửa từ nay đến giai đoạn 4 sẽ còn rất dài. Qua đó cảnh báo cạnh tranh khách quốc tế sau dịch giữa các quốc gia sẽ rất khốc liệt.
“Do đó, Việt Nam phải tận dụng các cơ hội”, ông kết thúc bài phát biểu của mình.