Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang về tình hình giáo dục địa phương và công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng trong kỳ thi sắp tới, tỉnh này sẽ triển khai kỳ thi với một số nhiệm vụ đặc biệt hơn các nơi khác như đón học sinh về thi, nuôi, động viên các cháu đi thi, ứng phó với mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra ảnh hưởng đến kỳ thi.
Với những thách thức như vậy, bộ trưởng mong muốn Hà Giang sẽ cố gắng hơn nữa để hướng tới một kỳ thi an toàn và tốt đẹp.
Bộ trưởng hỏi han học sinh về tình hình ôn tập và động viên các em. Ảnh: Moet. |
Đảm bảo kỳ thi an toàn
Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cũng báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Theo đó, năm nay, tỉnh Hà Giang có một hội đồng thi với 29 điểm thi và 267 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 5.626 thí sinh.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và các Ban chỉ đạo cấp huyện đã được thành lập. Sở GDĐT xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình năm học 2020-2021; hướng dẫn tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh tham dự kỳ thi.
Công tác tập huấn coi thi, thanh tra thi được thực hiện nghiêm túc, 100% cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi được tập huấn nghiệp vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khẳng định thêm tỉnh không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch, chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản ứng phó để đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn.
Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn đến kiểm tra công tác chuẩn bị tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang. Ông thăm hỏi tình hình ôn tập của học sinh và chúc các em có kỳ thi tốt.
Bộ trưởng cũng động viên những em đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng luôn tự tin để phát triển bản thân, bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Ông đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại điểm thi này bước đầu đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cần được quan tâm hơn nữa, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng cũng lưu ý trường cần sắp xếp chu đáo chỗ ăn ở, sinh hoạt cho học sinh trong những ngày diễn ra kỳ thi nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, học sinh thể hiện được bản thân tốt nhất.
Ông Nguyễn Kim Sơn gửi tặng phần quà nhỏ để trường bổ sung vào kinh phí chăm lo bữa ăn cho học sinh trong những ngày học sinh ôn thi và tham gia kỳ thi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm cán bộ, công chức, viên chức Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: Moet. |
Lấy thực chất làm thước đo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ những khó khăn mà giáo dục Hà Giang gặp phải.
Tỉnh này hiện thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn ở bậc mầm non. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở nhiều nơi thiếu thốn, xuống cấp.
Ông đánh giá một số chỉ số giáo dục của Hà Giang thời gian qua còn thấp nếu so với địa phương khác, nhưng tỉnh này có chỉ số cao ở sự cố gắng tự thân, mức độ quan tâm cho giáo dục. Điều này một phần thể hiện ở hệ thống trường bán trú dân nuôi phát triển trên diện rộng.
Tư lệnh ngành giáo dục nhấn mạnh tập trung phát triển giáo dục phải là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Hà Giang. Ông cũng khẳng định Bộ GDĐT có trách nhiệm trong sự phát triển giáo dục của Hà Giang và sẽ quan tâm, đồng hành, hỗ trợ với tỉnh.
Theo bộ trưởng, tỉnh cần có chiến lược phát triển giáo dục tổng thể, trong đó đi từng bước thực chất; lấy thực chất, chắc chắn làm kế sách lâu dài cho sự phát triển của giáo dục.
“Sức ép phát triển càng lớn càng phải lấy thực chất làm thước đo. Mong muốn càng lớn, quyết tâm càng cao, càng phải đi từng bước chắc chắn”, Bộ trưởng lưu ý.
Với một số ưu tiên tỉnh cần tập trung trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh công tác kiên cố hóa trường lớp. Ông gợi ý nhiệm vụ này nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từ bậc học nhỏ đến lớn, ưu tiên bậc học mầm non.
Ngoài ra, Hà Giang cần quan tâm củng cố việc dạy tiếng Kinh cho học sinh dân tộc thiểu số, bởi đây chính là việc thực chất cần cho nâng cao dân trí.
Vấn đề giáo dục thực chất cũng được bộ trưởng đề cập khi thăm cán bộ, công chức, viên chức Sở GD&ĐT Hà Giang.
Ông chia sẻ lãnh đạo Bộ GD&ĐT đang triển khai, thực thi tinh thần coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất.
Cụ thể, toàn ngành cùng nhau quán triệt sàng lọc, loại bỏ những thứ mang tính hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học trong các hoạt động dạy và học để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất, tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục.