Trả lời Zing.vn về chuyến thăm của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói chuyến thăm là dịp tốt để giúp Washington hiểu thêm về Việt Nam và thúc đẩy hợp tác, thương mại hai bên.
Giúp ông Donald Trump hiểu quan hệ với Việt Nam có lợi
- Vì sao Bộ trưởng nói với các nhà tài phiệt Mỹ rằng họ không nên chậm chân so với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc?
- Tiềm lực của doanh nghiệp Mỹ là rất lớn. Thứ nhất về tài chính, họ là nơi quy tụ những quỹ, ngân hàng, tổ chức tài chính, thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu trái phiếu lớn nhất thế giới.
Thứ hai, doanh nghiệp Mỹ nắm giữ những công nghệ nguồn, công nghệ cao. Thứ ba, thị trường Mỹ quy mô và ảnh hưởng của họ tới thế giới và các nước là rất lớn trong thương mại. Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp của họ rất đẳng cấp.
Tất cả những mặt đó hội tụ khả năng, năng lực Mỹ rất mạnh, có ảnh hưởng lớn. Việt Nam luôn luôn coi trọng, muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với cả Mỹ nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Cách đây 25 năm, tôi nhớ các quan chức Mỹ thường nói: “Mỹ chưa vào Việt Nam, nhưng khi Mỹ vào Việt Nam thì Mỹ sẽ đứng thứ nhất”. Tôi có cảm giác những doanh nghiệp lớn của Mỹ hiện vẫn chưa thật sự vào Việt Nam.
Hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam không lấy đi việc làm, không ảnh hưởng quyền lợi của Mỹ, mà thực tế giúp thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy việc làm và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Tổng thống Donald Trump hiện vẫn coi quan hệ với Việt Nam là thâm hụt thương mại và lấy đi việc làm của người Mỹ. Nhưng Thủ tướng và chính phủ ta muốn truyền tải thông điệp với cộng đồng doanh nghiệp và giới chức Mỹ rằng: hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam không lấy đi việc làm, không ảnh hưởng quyền lợi của Mỹ, mà thực tế giúp thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy việc làm và thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ.
Đó là điều quan trọng nhất của chuyến đi lần này để cho Tổng thống Donald Trump và giới chức họ hiểu quan hệ với Việt Nam là có lợi chứ không mất đi.
- Thủ tướng nói rất mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo bộ trưởng, cơ hội của các nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Việt Nam như nào?
- Chúng ta đang đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp Mỹ rất có thế mạnh trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quan điểm chính phủ Việt Nam là rất hoan nghênh các đối tác có tiềm lực tham gia vào quá trình cổ phần hoá, để trở thành cổ đông, hơn nữa là cổ đông chiến lược để họ có thể tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước, bổ sung thêm vốn, chuyển giao công nghệ, chuyển giao năng lực về quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường và cải thiện, cấu trúc lại cả cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất.
Đấy là những điều chính phủ Việt Nam hết sức rất quan tâm và mong muốn. Theo tôi hiểu thì Mỹ cũng rất mong đi qua kênh này để đầu tư - thông qua hình thức mua bán và sáp nhập để tham gia vào các dự án đầu tư. Chứ cũng không nhất thiết phải đi từ đầu như khảo sát, nghiên cứu...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (thứ ba từ phải sang) tại cuộc hội đàm giữa Việt Nam và Mỹ tại phòng họp Nội các do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump chủ trì. Ảnh: Getty. |
Chính phủ Mỹ đánh giá vai trò của Việt Nam rất cao
- Thủ tướng đã có rất nhiều cuộc gặp song phương và toạ đàm với các doanh nghiệp Mỹ. Kỳ vọng lớn nhất của bộ trưởng sau chuyến thăm của Thủ tướng là gì?
- Chuyến thăm này cho thấy bản thân chính phủ Mỹ đánh giá vai trò của Việt Nam rất cao để hướng tới và thúc đẩy quan hệ, đặc biệt trong khối ASEAN và châu Á nói chung. Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Mong muốn thúc đẩy quan hệ của chính quyền mới của Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng hết sức quan tâm tới thị trường Việt Nam với rất nhiều điểm nổi bật để có thể trở thành điểm đến hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Các cuộc gặp các nhà tài phiệt ở New York có thể hiện được trọng tâm vào thương mại và đầu tư trong chuyến đi của Thủ tướng?
- Tất cả chuyến thăm đều nhấn mạnh thúc đẩy về thương mại và đầu tư. Lần này họ quan tâm hơn và cụ thể hơn với những đề xuất chi tiết hơn. Họ cũng tham vấn một số chính sách cách làm thế nào để cải thiện môi trường tốt hơn để đón nhận được đầu tư nói chung và đầu tư Mỹ nói riêng.